Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin đang là yêu cầu cấp bách
Ngày 26/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử TP Hà Nội chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội.
Chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng mua đơn xin học
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020. Theo đó, TP hình thành phương thức làm việc mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả trong công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn; Hạ tầng kỹ thuật CNTT được từng bước đầu tư, triển khai đồng bộ nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ giữa các cấp.
Từng bước cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và khen ngợi tại các đợt kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; được các Bộ ngành đánh giá cao.
Theo báo cáo đánh giá PAR index tháng 5/2019, với 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện trực tuyến qua mạng kết hợp với những nỗ lực trong cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Thành phố năm 2018 đạt 7.5 tỷ đô la, cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Ngoài ra, người dân có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng, quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố một cách tích cực thông qua Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố.
Đáng chú ý, chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng mua đơn xin học cho học sinh gây căng thẳng, bức xúc cho dư luận. Học sinh và phụ huynh học sinh được tiếp cận thông tin về học tập của học sinh thông qua thiết bị di động thông minh; Sức khỏe của người dân được quan tâm. Việc ứng dụng CNTT giúp người dân được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về CNTT được quan tâm, đẩy mạnh so với giai đoạn 2012-2015. Thông qua các hoạt động này, Thành phố đã tiếp thu được những kinh nghiệm, tiếp cận giải pháp công nghệ mới và huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông từ năm 2016 đến 2019, Hà Nội luôn xếp hạng trong nhóm dẫn đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Hà Nội được nâng cao qua các năm. Kết quả ứng dụng CNTT góp phần nâng cao vị trí xếp hạng của thành phố Hà Nội về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ứng dụng Hà Nội SmartCity là kênh tương tác giữa người dân và chính quyền
Cũng tại phiên họp, Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định báo cáo đề xuất phân công đơn vị duy trì, vận hành, cập nhật thông tin trên ứng dụng thông minh Hà Nội SmartCity.
Theo đó, đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đạt tỉ lệ 91%. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố tính đến 24/5/2020 là 3.458.474 hồ sơ.
Hà Nội đồng thời đi đầu, triển khai xây dựng phần mềm Hanoi Smartcity – là kênh thông tin tương tác giữa Chính quyền và người dân, cho thấy rõ hiệu quả trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Tính đến ngày 24/5/2020, đã có gần 16 triệu lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.370 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống (trong đó có 12.851 tài khoản thành viên các ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã phường thị trấn được khởi tạo và đang khai thác sử dụng trên Hệ thống) và 696.347 lượt tải ứng dụng trên 02 nền tảng di động IOS và Android và tiếp nhận, xử lý 2.632 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: y tế, giao thông, an ninh, môi trường…
Về định hướng triển khai trong thời gian tới, Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cho biết, sẽ nâng cấp ứng dụng Hà Nội SmartCity là một kênh thông tin tương tác trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền thành phố trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội như: an ninh trật tự, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến, giao thông, môi trường, du lịch…
Đồng thời, kết nối, tích hợp các phần mềm dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành của thành phố như: phần mềm tìm xe bus thành phố, phần mềm quản lý ngành giáo dục thành phố (thu học phí, sổ liên lạc điện tử), dịch vụ công trực tuyến thành phố (thanh toán trực tuyến), hệ thống quan trắc môi trường thành phố,…nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua ứng dụng Hà Nội Smart City.
Xu hướng ứng dụng CNTT sau đại dịch Covid-19
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử TP Hà Nội nhấn mạnh chưa bao giờ yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin lại cấp bách như hiện nay.
Theo các chuyên gia, thời điểm hậu Covid-19 chắc chắn sẽ có 3 sự thay đổi diễn ra, đó là: Việc họp trực tuyến, giao dịch trực tuyến sẽ tăng lên; Việc chữa bệnh trực tuyến sẽ nhiều hơn và thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh. Ngay trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, số lượng thực hiện dịch vụ công mức 4 đã tăng tới 24%, cho thấy nhu cầu tăng cao của người dân trên lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND TP ghi nhận những năm qua, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của Thành phố.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội trên lĩnh vực này, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị có sự chủ động, trách nhiệm hơn từ lãnh đạo các Sở, ban ngành, quận huyện của Thành phố, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh những nhiệm vụ còn chậm.
Bên cạnh đó, tập trung ứng dụng các công nghệ mới nhất của thế giới, song song với chú trọng đào tạo lực lượng nhân lực sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.