Chủ tịch UBND tỉnh: Bão số 5 diễn biến phức tạp, thực hiện tốt '4 tại chỗ' để ứng phó kịp thời, hiệu quả
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý, dự báo bão số 5 với diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh, do đó cần bố trí lực lượng, phương tiện theo phương châm '4 tại chỗ' để ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Tiếp tục chương trình kiểm tra công tác phòng chống bão lũ; tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, chiều nay (10/9), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác đã đi kiểm tra tại các huyện: Hương Sơn, Nghi Xuân và Lộc Hà.
Đại tá Lê Hồng Nhân - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tham gia đoàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra công trình đập tràn Cây Thị (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn).
Tại huyện Hương Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã đến kiểm tra công trình đập tràn Cây Thị (xã Sơn Tiến).
Hương Sơn hiện có gần 100 hồ đập lớn, nhỏ; trong đó, một số hồ đập có nguy cơ mất an toàn như đập Cây Thị bị hỏng tràn; đập Tràng Lầy (xã Sơn Bình) bị hỏng tràn; đập Tràng Riềng (xã Quang Diệm) tràn thấp, đuôi tràn chảy vào khu dân cư; đập Khe Đá (xã Sơn Kim 2) bị hỏng tràn, cống bị rò rỉ; đập Kim Thành (xã Sơn Tây) bị sạt mái hạ lưu, thấm thân đập.
Để ứng phó với bão số 5, huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các địa phương có phương án sơ tán dân cụ thể đối với từng công trình, đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, toàn huyện cũng đã thu hoạch được 1730 ha/2.330 ha lúa hè thu, đạt 74,25% diện tích.
Tại huyện Nghi Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn đã đến kiểm tra tuyến đê biển và âu thuyền tránh, trú bão tại xã Xuân Hội.
Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã đến kiểm tra tuyến đê biển...
... và âu thuyền tránh, trú bão tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân.
Đến chiều 10/9, huyện Nghi Xuân đã kêu gọi 815 tàu thuyền vào bờ (đạt 100%). Toàn huyện cũng đã thu hoạch 465/685 ha lúa hè thu.
Trên địa bàn huyện có 23 hồ chứa với dung tích các hồ chứa đạt từ 70 - 90%; trong đó có nhiều công trình không đảm bảo an toàn, chưa được nâng cấp.
Tại huyện Lộc Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đến kiểm tra âu thuyền Cửa Sót (xã Thạch Kim) và bara Đò Điệm.
.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đến kiểm tra âu thuyền Cửa Sót (xã Thạch Kim).
Đến nay, tất cả tàu thuyền trên địa bàn huyện (349 cái) đã vào trú ẩn an toàn tại các khu neo đậu. Riêng âu thuyền Cửa Sót hiện có 238 tàu, thuyền trong và ngoài huyện neo đậu. Ngoài ra, địa phương cũng đã liên lạc được và hướng dẫn một số tàu thuyền vào trú ẩn
Huyện đã thu hoạch được là 634/2.242ha (gần 28,5% diện tích). Dự kiến từ nay đến hết 15/9/2021, Lộc Hà cần thu hoạch khoảng 900 ha lúa tại các xã: Thạch Mỹ, Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc, Tân Lộc. Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời có phương án bảo vệ diện tích còn lại ở vùng thấp trũng chưa thể thu hoạch, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lớn gây ra.
Âu thuyền Thạch Kim có 238 tàu, thuyền trong và ngoài huyện neo đậu.
Trao đổi với đoàn công tác, các địa phương đề xuất tỉnh bố trí, ưu tiên nguồn kinh phí để tu bổ, hồ đập xuống cấp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; có giải pháp hỗ trợ nông sản, đặc biệt là sản phẩm thủy sản khó tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh phức tạp…
Đoàn kiểm tra công trình bara Đò Điệm.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên các địa bàn, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát thực trạng hồ đập, đề xuất giải pháp và bố trí kinh phí gia cố, sửa chữa kịp thời những vị trí xung yếu.
Với những công trình phải có nguồn lực lớn cần khẩn trương lập dự toán đầu tư trình UBND tỉnh xem xét để kịp thời bố trí kinh phí nâng cấp, sữa chữa. Với các công trình đang thi công, cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, góp phần vào công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, dự báo bão số 5 có diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh, do đó cần bố trí lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó.
Đặc biệt, các địa phương cần huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch gọn lúa hè thu trước khi bão đổ bộ.
Với sản phẩm thủy, hải sản, cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con nuôi trồng theo phương thức né tránh thiên tai, chủ động thu hoạch sản phẩm trước mùa mưa bão.
Ngoài ra, địa phương và các cấp, ngành liên quan cũng cần tích cực vào cuộc để thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm thủy sản lên sàn thương mại điện tử.