Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo: Có phương án chủ động phòng, chống dịch ở mức cao nhất
Sáng 17-3, đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã đi kiểm tra Khu cách ly tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.
Sau khi nắm tổng thể sơ đồ bố trí khu vực, quá trình tiếp nhận, cách ly các trường hợp công dân Việt Nam từ các nước có dịch về tại Khu cách ly, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế. Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Khu cách ly có thể triển khai tiếp nhận từ 280-320 công dân; đơn vị đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; bố trí khu vực cách ly nam nữ riêng biệt; chuẩn bị khu nhà ăn riêng…đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực bố trí cách ly.
Tai Khu cách ly, khi tiếp nhận các công dân về đây thì bố trí các bàn tiếp đón, kiểm tra lại thân nhiệt cho toàn bộ, phân luồng các trường hợp ở các cấp độ và đưa về nơi cách ly; đồng thời hàng ngày triển khai kiểm tra sức khỏe công dân ngày 2 lần, nếu phát hiện trường hợp ho, sốt nghi ngờ nhiễm Covid-19 lập tức chuyển người bệnh đến khu cách ly riêng và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch khẩn cấp của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế để có ý kiến chỉ đạo, liên hệ chuyển công dân đến Khoa bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cách ly và điều trị.
Sau khi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bước đầu đã có sự chuẩn bị, có kế hoạch cụ thể, bố trí khu vực rõ ràng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, với Ban Chỉ đạo của tỉnh và cần xây dựng kế hoạch ứng phó ở cấp độ cao nhất có như vậy sẽ không lúng túng, bị động và kịp thời ứng phó với tất cả tình huống xảy ra. “Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đây là đại dịch toàn cầu, vì vậy mức độ rất khẩn cấp. Tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn. Hiện tỉnh chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19 nhưng chúng ta phải tính tới tình huống xấu nhất là có các ca bệnh, phải cảnh giác ở mức cao nhất, không chủ quan; xây dựng kế hoạch thật cụ thể, có phương án dự phòng thêm địa điểm cách ly khi số lượng công dân cần cách ly nhiều hơn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phối hợp, nắm chắc số lượng công dân của tỉnh lao động, học tập, làm việc tại nước ngoài là bao nhiêu từ đó tính toán khả năng tiếp nhận cách ly để kịp thời báo cáo lên trên. Trong các trường hợp cần thiết thì tỉnh có thể trưng dụng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Khu ký túc xá-Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và kể cả ở tuyến huyện… để bố trí khu cách ly”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, khi tiếp nhận công dân thì phải sàng lọc, phân loại các trường hợp tiếp xúc gần như F1, F2… từ đó có biện pháp quản lý tốt; ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời có các biện pháp quản lý, cách ly và cần thiết thì lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán. “Thực tế có trường hợp lần đầu xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng xét nghiệm lần hai lại dương tính. Vì vậy kể cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì cũng phải thực hiện cách ly đủ thời gian theo quy định”- Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Trao đổi thêm tại buổi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế xem xét lắp đặt máy đo thân nhiệt tại Cảng Hàng không Pleiku vì đây là nơi lưu lượng khách đổ về nhiều; lắp đặt thiết bị này để kịp thời kiểm tra, sàng lọc ngay từ ban đầu các trường hợp nghi ngờ và có phương án kịp thời ứng phó. Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu bổ sung thêm kế hoạch một cách cụ thể, phương án rõ ràng để trình UBND tỉnh trong cuộc họp tới.
Như Nguyện
-