Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đối thoại với nông dân

Chiều 26/11, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị đối thoại giữa đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương với nông dân trong tỉnh năm 2024 với chủ đề 'Khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững'.

Dự hội nghị có đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và 351 cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 392.000 cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh điều hành hội nghị.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh điều hành hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu ghi nhận sự nỗ lực của nông dân trong tỉnh khi nhắc lại những tổn thất trong sản xuất nông nghiệp đợt bão lũ lịch sử tháng 9 vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nông dân Hải Dương đã vượt khó vươn lên, khẩn trương, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Kết quả này là đóng góp công sức lớn của bà con nông dân. Với vai trò là chủ thể phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, có khát vọng làm giàu từ nông nghiệp.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị.

Hải Dương có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, nông dân có trình độ thâm canh cao; sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Đồng thời, là địa phương điển hình trong sản xuất nông nghiệp của cả nước với nhiều ưu thế trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP. Xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn của tỉnh như tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chưa cao; sản xuất nông nghiệp chưa thực sự bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn chậm. Cùng với đó là việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn vẫn còn xảy ra; vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn đặt ra nhiều thách thức. Hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nông dân chưa cao, chưa thực sự là cầu nối giữa cấp ủy chính quyền các cấp với nông dân, chưa phát huy hết sức sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định, hội nghị đối thoại lần này là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn sản xuất của nông dân. Đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nông dân trong tỉnh.

Qua đó có các giải pháp thiết thực, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế, chính sách, đưa được các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Đồng chí đề nghị trên cơ sở thực trạng, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các đại biểu cần thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị, đề xuất những giải pháp giải quyết xúc tích, ngắn gọn. Đồng thời, các sở, ngành cần trao đổi, trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết, phải nêu rõ thời gian hoàn thành. Những vấn đề nào còn vướng mắc do cơ chế, chính sách phải làm rõ lộ trình tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết…

Tại hội nghị đối thoại, có 12 ý kiến của nông dân, lãnh đạo quản lý hội nông dân các cấp được gửi tới lãnh đạo tỉnh. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng kinh tế nông thôn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp.

Một số ý kiến đề nghị tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ thủy lợi phí, hỗ trợ phụ cấp cho quản lý hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, mức phục cấp chưa được điều chỉnh trong khi giá điện, chi phí sinh hoạt, lương cơ bản tăng nhiều lần. Tỉnh cần quan tâm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với phát triển một số nông sản chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quản bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng chỉ tiêu hỗ trợ nhà màng, nhà lưới cho các địa phương, khuyến khích mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy hoạch và xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung để giải quyết tình trạng quá tải tại bãi chôn lấp rác thải, xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi người dân đã thực hiện thu gom. Hiện diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn, một bộ phận nông dân dịch chuyển sang ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, lao động trong các khu công nghiệp hoặc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, có ý kiến thắc mắc về việc UBND tỉnh đã có chính sách gì cho đào tạo nghề, đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu việc làm. Đồng thời đề nghị tỉnh bổ sung nguồn vốn để giải quyết vấn đề việc làm cho các hội viên nông dân trong phát triển kinh tế.

Về việc nâng cao hiệu quả hoạt động các cấp Hội Nông dân, các ý kiến tập trung đề nghị giải đáp vấn đề người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi nào được hưởng hỗ trợ mức phụ cấp hằng tháng theo trình độ đào tạo. Đề nghị UBND tỉnh có chế độ phụ cấp hằng tháng cho Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành; nâng mức phụ cấp hỗ trợ cho Chi hội trưởng các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã…

Các kiến nghị của nông dân, lãnh đạo quản lý các cấp Hội Nông dân tại hội nghị đối thoại được các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân, Nguyễn Minh Hùng và lãnh đạo sở, ngành liên quan trao đổi, giải đáp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng giải đáp ý kiến của nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng giải đáp ý kiến của nông dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm bày tỏ vui mừng khi Hải Dương chủ động tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân; nhấn mạnh việc tỉnh tổ chức hội nghị vào thời điểm này rất ý nghĩa khi tháng 12 tới Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân lần thứ 5.

Thông tin vấn đề nông dân quan tâm nhất hiện nay, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nêu rõ: Hải Dương là địa phương tiêu biểu trong cả nước tích cực, mạnh dạn xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc thù thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị này rất cụ thể, sâu sát, xuất phát từ cơ sở. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích, tạo động lực để nông dân nỗ lực vươn lên.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp Hội Nông dân làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong nông dân, nhất là xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ hội ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ chi hội có uy tín, trách nhiệm, có kinh nghiệm, được bồi dưỡng kiến thức, phương pháp quản lý. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Các cấp Hội Nông dân cần tăng cường hỗ trợ nông dân chuyển đổi số theo yêu cầu thực tiễn khách quan, xây dựng giá trị chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh nông sản. Chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn. Hỗ trợ nông dân thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hiệu quả và bền vững.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã ban hành. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị đối thoại để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp và chính sách mới phù hợp với điều kiện của tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.

Đồng chí đề nghị sở công thương cần thực hiện tốt vai trò là đầu mối kết nối giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Sở khoa học và công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của bà con nông dân.

Những vấn đề liên quan tới đất đai, môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu tổ chức, thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính phục vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tham mưu các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi phù hợp đối với nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo người lao động, nhất là lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ thành viên hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Sở Tài chính chủ trì tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bố trí ngân sách nhà nước bổ sung nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hỗ trợ mức phụ cấp hằng tháng theo trình độ đào tạo cho người hoạt không chuyên trách cấp xã nói chung trong tỉnh, bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Rà soát, tham mưu chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu dân cư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND cấp huyện rà soát, thống nhất bổ sung vào quy hoạch những khu vực có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân tại các làng nghề, địa phương có tiềm năng du lịch nông thôn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với nông dân trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Tại hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng báo cáo kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2020-2024; đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trịnh Văn Thiện báo cáo kết quả công tác hội và phong trào nông dân giai đoạn 2020-2024. Trong 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 16.905 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước…

Mai Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/chu-tich-ubnd-tinh-hai-duong-le-ngoc-chau-doi-thoai-voi-nong-dan-i751498/