Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á
Ngày 2/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Cùng tiếp đoàn công tác với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Ngoại vụ và Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND tỉnh.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (The Asian Development Bank - ADB) được thành lập vào năm 1966, là một thể chế tài chính đa phương, cung cấp các khoản tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giúp các nước châu Á xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn công tác ADB do ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia, Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam làm Trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu tiềm năng và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị, nông nghiệp, chế biến nông sản và môi trường.
Tại tỉnh Lâm Đồng, tổng kế hoạch vốn vay ADB giai đoạn 2016-2020 đã bố trí vốn thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án với tổng vốn đầu tư 1.050,5 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng 178,8 tỷ đồng; vốn ODA 871,8 tỷ đồng (tương đương 40 triệu USD), thuộc 3 lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giáo dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khẳng định: Các công trình sử dụng vốn vay ADB hoàn thành và đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị điều hành, góp phần nâng cao giá trị nguồn vốn và người dân Lâm Đồng trực tiếp được hưởng lợi hoàn toàn. Chính vì vậy, sự có mặt của ADB ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
So với bình quân chung của cả nước, Lâm Đồng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bố trí ngân sách đầu tư các dự án trọng điểm. Vì vậy, tỉnh có một số đề xuất, đề nghị hỗ trợ trong thời gian tới, được vay vốn ưu đãi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng nông thôn, giao thông, giáo dục đào tạo, y tế… Cụ thể là các dự án: “Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu” dự kiến vay vốn OCR của ADB, với nhu cầu kinh phí là 26,5 triệu USD (600 tỷ đồng). Hiện, UBND tỉnh đã lập hồ sơ đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ và dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để thực hiện. Dự án “Điện mặt trời nổi” tại hồ Đại Ninh và Dự án “Thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng (SEECP)” theo đề xuất của ADB, đang trong giai đoạn khảo sát, lập dự án.
Đại diện đoàn công tác ADB, cho biết: ADB đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng thời gian qua và kết quả rất tuyệt vời. Trong giai đoạn sắp tới (2021-2025), ADB cho rằng, đối với khu vực Tây Nguyên và vùng kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia thì định hướng trồng rừng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo được quan tâm hơn. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng nên bổ sung các thông tin cần thiết cho các dự án ADB đề xuất trong năm nay (trong tháng 12/2020).
Ngay sau thời gian làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để tìm hiểu rõ hơn thông tin nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, đoàn công tác của ADB tiếp tục làm việc với lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, sáng mai (3/12) sẽ làm việc với lãnh đạo các sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Công thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng rất mong các đề xuất của Lâm Đồng sẽ được đoàn công tác xem xét cụ thể. Về phía tỉnh, sẽ phân công một đầu mối phụ trách các nội dung sử dụng nguồn vốn của ADB để lần sau đoàn công tác của ADB đến, sẽ không phải đi làm việc ở nhiều nơi, với nhiều người như lần này, mà dành thời gian đó tham quan tỉnh Lâm Đồng và các dự án sử dụng nguồn vốn ADB. Tỉnh sẽ cung cấp tất cả thông tin, thông số kỹ thuật để các ông bà trong đoàn công tác có cơ sở làm tốt hơn việc tư vấn với ADB.