Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại TP Bắc Giang
Sáng 11/9, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra công tác phòng, chống lũ trên sông Thương, việc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra tại TP Bắc Giang.
Do công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 kịp thời, hiệu quả nên tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP ước tính gần 2,5 tỷ đồng. TP Bắc Giang chủ yếu bị thiệt hại bởi cây xanh gãy, đổ và một số diện tích hoa màu hư hại, không có thiệt hại về người.
Đến nay, TP đã thu dọn khoảng 90% số cây gãy, đổ, giao thông, liên lạc thông suốt; tổ chức vệ sinh, khơi thông các cửa thu nước trên các tuyến đường nhằm bảo đảm tiêu thoát nước ở các vị trí úng ngập cục bộ.
Điện lực TP Bắc Giang và Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang đã cơ bản khắc phục tình trạng mất điện cục bộ và mất nước trên toàn địa bàn. Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các phường, xã tổ chức khắc phục những công trình hư hại tại các nhà trường, vệ sinh trường, lớp, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường.
UBND các phường, xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng xung kích của địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền và hỗ trợ nhân dân thu dọn, khắc phục hậu quả do bão gây ra để ổn định đời sống.
Theo báo cáo của UBND TP Bắc Giang, tính đến 8 giờ ngày 11/9, tại địa bàn TP, nước sông Thương trên mức báo động 3.
Để bảo đảm an toàn, chiều và đêm 10/9, các phường đã tập trung di dời người dân trong vùng bị ngập đến nơi an toàn
Đồng chí Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết, hiện TP đang phải đối mặt với khó khăn do nước sông dâng cao. Cụ thể, theo thiết kế, nước sông Thương lên đến 7,2 m phải dừng các trạm bơm tiêu nhưng thực tế ở mức 7 m TP đã phải dừng 6/8 trạm bơm tiêu trong chiều qua vì nước sông chảy ngược vào ống bơm. Nếu tiếp tục có mưa to sẽ ảnh hưởng đến tiêu úng nước mặt. Hiện chỉ có trạm bơm xử lý nước thải vẫn vận hành tốt.
Sau khi kiểm tra thực tế tại các đoạn đê xung yếu, đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu TP chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, trang thiết bị tại chỗ, đề ra các phương án thoát lũ, tiếp tục di dời người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Đồng chí nhấn mạnh, chức năng của đê bối là điều tiết nước lũ trên sông lớn. Bởi sau đê bối đã có đê bao chính ngăn nước sông tràn vào các khu vực thành thị và nông thôn khác. Do đó, trong phòng, chống lụt bão, địa phương phải thực hiện nghiêm việc phân, thoát lũ vào các vùng đã được quy hoạch, trong đó có các vùng sau đê bối.
Đối với vùng có nguy cơ ngập lụt, TP phải tính phương án di dời dân sớm. Đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng phát quang bụi rậm trên mái đê để bảo vệ thân đê. Tăng cường tuần tra dọc tuyến đê sông Thương qua địa bàn TP để sớm phát hiện sự cố và xử lý. Sự vững vàng của đê sông Thương có vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, đồng chí yêu cầu từng mét đê sông Thương phải được giao khoán bảo vệ cho mỗi cá nhân trong các tổ trực canh đê...
Trên tinh thần đùm bọc lẫn nhau, TP có điều kiện hơn các huyện, thị xã khác nên đồng chí mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP quan tâm chia sẻ khó khăn với bà con các huyện miền núi bị ảnh hưởng bởi mưa bão.
Ngoài ra, địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra thị trường, bình ổn giá, bảo đảm đủ các nhu yếu phẩm phục vụ người dân, nhanh chóng khôi phục sản xuất và các hoạt động kinh tế.