Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng trường ĐH: Có phạm luật?
Việc ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được công nhận là hiệu trưởng trường ĐH Hạ Long khiến dư luận băn khoăn vì có thể liên quan đến các văn bản quy định hiện hành.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản công nhận ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Thắng sẽ làm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long từ ngày 18/5/2020 (theo văn bản 1588 của UBND tỉnh Quảng Ninh do ông Đặng Duy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký).
Tuy nhiên, một cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ lâu năm tại một trường ĐH khu vực phía Bắc cho biết Luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 không có quy định cụ thể về hiệu trưởng các trường ĐH.
Tuy nhiên, tại điều 16 của Luật này có quy định thành viên trong trường và thành viên ngoài trường thuộc cơ cấu tổ chức Hội đồng trường. Cụ thể, tại điểm b, khoản 3, điều 16 có quy định: "Thành viên trong trường ĐH bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học.
Thành viên đương nhiên bao gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường ĐH, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học".
“Như vậy, tuy Luật không nói cụ thể, nhưng nhìn chung, tinh thần của Luật đều toát lên yêu cầu Hiệu trưởng trường ĐH là người “trong trường”.
Mặt khác, theo vị này, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức 2019 cũng có quy định rất rõ.
Ở khoản 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
“Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương “không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị thực hiện phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)” tại Nghị quyết 19/NQTW tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. hiệu trưởng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý”, vị này nói.
Luật sửa đổi cán bộ Công chức, viên chức 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. "Vì vậy chỉ còn hơn 1 tháng nữa, cho dù không “phạm” Luật Giáo dục ĐH thì khi Luật Cán bộ Công chức 2019 có hiệu lực thì sẽ xử lý thế nào?", vị này đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1973, nguyên quán Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1995, ông Thắng tốt nghiệp hệ cao đẳng, Học viện Ngân hàng. Sau đó, ông Thắng có bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Anh) và cử nhân Đại học Kế toán - Tài chính (chuyên ngành Tài chính - Tín dụng).
Ông Thắng học Thạc sĩ Học viện Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính lưu thông tiền tệ), Tiến sĩ tại Học viện Tài chính.
Năm 2019, ông được bầu chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó, ông được HĐND tỉnh Quảng Ninh bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.