Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thăm mô hình chuyển đổi số trong chăn nuôi
Chiều 11-2, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đến thăm mô hình máy ấp trứng gà của gia đình ông Nguyễn Văn Đường, ở tổ dân phố số 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình).
![Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu thăm không gian nhà xưởng ấp trứng gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Đường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_458_51451925/581e2b3b1e75f72bae64.jpg)
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu thăm không gian nhà xưởng ấp trứng gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Đường.
Sau khi tham quan mô hình, nghe báo cáo về quá trình thử nghiệm vận hành thiết bị ấp trứng tự động do các nhà khoa học và ông Nguyễn Văn Đường cùng nghiên cứu sản xuất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân Nguyễn Văn Đường và tính hiệu quả, tiên phong của mô hình.
Thông tin về Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ nhất, năm 2025, vừa được phát động, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn ông Đường tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đổi mới và lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đến nhiều người. Đồng chí nhấn mạnh tỉnh luôn trân trọng tinh thần dám đổi mới, từ những việc làm nhỏ nhất nhưng mang ý nghĩa lớn; đề nghị UBND huyện Phú Bình đánh giá hiệu quả các mô hình đổi mới sáng tạo trên địa bàn, từ đó tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và nhân rộng.
![Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu tham quan thiết bị ấp trứng tự động do các nhà khoa học và ông Nguyễn Văn Đường cùng nghiên cứu sản xuất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_458_51451925/7f4f006a3524dc7a8535.jpg)
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu tham quan thiết bị ấp trứng tự động do các nhà khoa học và ông Nguyễn Văn Đường cùng nghiên cứu sản xuất.
Năm 1991, sau khi rời quân ngũ, ông Đường về phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy việc đi buôn trứng cho cơ sở ấp nở gia cầm mang lại lợi nhuận cao lại ít người làm, vợ chồng ông quyết định chuyển đổi mô hình. Sau nhiều năm làm nghề buôn trứng, thấy người dân ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) có nghề ấp trứng, ông đến học tập rồi về vay mượn đầu tư lò ấp.
Trong sản xuất, ông đã mạnh dạn chuyển toàn bộ số lò ấp trứng thủ công sang tự động, giúp giảm nhân công lao động, giúp đảo trứng, giữ nhiệt độ và độ ẩm ổn định, tỷ lệ thành công cao hơn. Ngoài đầu tư các lò ấp trứng tự động, gia đình ông Đường còn mở 2 trang trại nuôi gà đẻ để chủ động nguồn trứng cung cấp cho lò ấp theo quy trình khép kín. Trong chăn nuôi gà, ông đầu tư công nghệ xây dựng hệ thống chuồng khép kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động…
![Đến nay, cơ sở của gia đình ông Đường có 13 lò ấp nở gia cầm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_458_51451925/f7558970bc3e55600c2f.jpg)
Đến nay, cơ sở của gia đình ông Đường có 13 lò ấp nở gia cầm.
Đến nay, với 13 lò ấp nở gia cầm, cơ sở của gia đình ông Đường không chỉ cung cấp gà giống trong tỉnh mà còn cho nhiều tỉnh thành lân cận. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông cấp ra thị trường khoảng 20 vạn gà con, với giá bán trung bình 10.000 đồng/con, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi hàng tỷ đồng.
![Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Đường bán ra thị trường khoảng 20 vạn gà con.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_458_51451925/e3409a65af2b46751f3a.jpg)
Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Đường bán ra thị trường khoảng 20 vạn gà con.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đường còn đóng góp tích cực cho địa phương. Gia đình ông tạo việc làm cho 13 lao động, thu nhập bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tích trong sản xuất, kinh doanh, ông Đường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân xuất sắc toàn quốc.