Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng
Ngày 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024.
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu UBND tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh…
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng Tôn Thiện San trình bày, nêu bật một số kết quả đạt được. Trong đó, kinh tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có sự tăng trưởng, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; lĩnh vực du lịch, công nghiệp có những bước phát triển; đặc biệt, du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác thu ngân sách được tăng cường chỉ đạo; thực hiện giải pháp chống thất thu, tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước đến 9/10/2024 đạt 9.818,6 tỷ đồng, bằng 75% so với dự toán Trung ương giao, bằng 69,44% dự toán địa phương (14.150 tỷ đồng), bằng 105,2% so với cùng kỳ. Công tác quản lý chi ngân sách địa phương cơ bản đã thực hiện đảm bảo được các khoản chi theo dự toán được giao.
Tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật, thu hút đông đảo du khách như: Tuần lễ Vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024; đưa vào khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới; triển khai cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Đà Lạt; thu hút 7,4 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 426 nghìn lượt khách, tăng 42%.
Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh; Lễ công bố Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế; phối hợp tổ chức Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên và Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 4/9/2024.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Các công tác giảm nghèo, chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế; triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"; quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra thực hiện tốt…
Chỉ đạo, tổ chức thành công lễ phát động hưởng ứng đợt thi đua cao điểm vào ngày 30/8/2024 với chủ đề “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước”. Quốc phòng, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững; trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng thực hiện hiệu quả. Nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài được dư luận quan tâm bước đầu đã được xem xét, xử lý theo phương châm đúng thì bảo vệ, sai thì tránh không làm và kiên quyết xử lý…
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: kinh tế tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (tăng 3,35%); giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt rất thấp; các khoản thu từ thuế/ phí và lệ phí giảm so với cùng kỳ; các công tác thu hút đầu tư, quy hoạch, cải cách hành chính… chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh chậm so; sản phẩm du lịch chất lượng cao còn ít, thiếu đa dạng; an ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…
Ghi nhận từ báo cáo tình hình công tác chuẩn bị sáp nhập 3 huyện phía Nam của Chủ tịch UBND các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, cho thấy: Tình hình kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định; công tác thu ngân sách đạt tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến dù còn khó khăn; công tác giáo dục, y tế, giảm nghèo thực hiện tốt…
Do trụ sở UBND huyện sau sáp nhập được bố trí về Đạ Tẻh, nên cơ sở vật chất thiếu rất nhiều, huyện đã đề xuất trưng dụng cơ sở vật chất của xã và trường mầm non không sử dụng do sáp nhập, nhưng cần được sửa chữa… Cán bộ công chức và người dân huyện Đạ Huoai có tâm tư, khi trung tâm huyện chuyển về Đạ Tẻh, mất rất nhiều thời gian và chi phí vì quãng đường di chuyển xa… có nơi tới 50 km…
Các địa phương báo cáo tình hình khó khăn hiện tại và đề xuất các giải pháp. Khó khăn được đề cập tập trung trong hoạt động xây dựng cơ bản, là: thiếu điểm mỏ để khai thác san lấp mặt bằng, nhiều doanh nghiệp không có năng lực, để xảy ra sai phạm trong quá trình triển khai; vướng mắc trong công tác giải quyết các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng… Các nội dung về thu ngân sách về nhà đất gặp khó khăn, như: cấp quyền sử dụng đất, thu tiền bán và cho thuê nhà chậm tiến độ…; dù có nhiều địa chỉ đấu giá, nhưng nhà đầu tư không mặn mà… dẫn đến thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành và địa phương trong 9 tháng qua; đặc biệt là sự đồng thuận và tình cảm của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong phong trào xóa nhà tạm và ủng hộ các tỉnh phía Bắc gặp khó khăn do bão số 3 gây ra…
Tuy nhiên, nhiều hoạt động còn khó khăn, trong đó, bất động sản trầm lắng, giải ngân vốn đầu tư công còn rất nhiều vấn đề chứ không chỉ ở thủ tục… Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, trong 3 tháng còn lại phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến đầu tư công – khó đến đâu tháo gỡ đến đó, vướng ở đâu tháo gỡ ở đó; phải kiên quyết thu hồi các dự án không thể triển khai… đồng thời, phải nhìn nhận lại sự chủ động và công tác phối hợp giữa tỉnh và các địa phương…
Qua tiếp xúc doanh nhân tại Hội nghị Gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh nhận thấy doanh nghiệp đã có sự cởi mở khi nhìn thẳng vào những vấn đề của tỉnh, nhưng cần thiết phải hỗ trợ để doanh nhân tạo ra việc làm, tăng doanh thu cho ngân sách địa phương… Phải có định hướng phát triển du lịch liên quan đến quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận, quy hoạch các địa phương... Đặc biệt, Đà Lạt rất đẹp, giàu tiềm năng, nhưng du lịch Lâm Đồng không có điểm nhấn. Hồ Tuyền Lâm đẹp, nhưng không có dự án đầu tư lớn…; phải có giải pháp để Đà Lạt và Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm phát triển xứng tầm…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phải vận dụng và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành công tác, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và doanh nghiệp; quyết tâm tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư… Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công khó khăn, nhưng hãy chuẩn bị để có nền tảng cho năm 2025 giải ngân vốn đầu tư công thuận lợi hơn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải làm ngay việc rà soát 2 loại hình doanh nghiệp đã đăng ký rất lâu và các dự án đã quá thời hạn theo luật đất đai…
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Khó khăn của năm nay sẽ là cơ hội để năm 2025 bứt phá, phát triển. Năm 2025, phải chuẩn bị hướng đi mới của tỉnh cho nhiệm kỳ mới, phải cho thấy tiềm năng phát triển của tỉnh… Vì vậy, phải chú ý công tác quy hoạch, rà soát các dự án, quy hoạch đường giao thông có liên kết với các tỉnh; khoa học - công nghệ phải là động lực trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…