Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị mở rộng, nâng cấp sân bay Cần Thơ
Ngày 10/6, Bộ Xây dựng phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Tường Văn nhận định, ĐBSCL có vị thế hết sức quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện.
Trong quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu mức tăng trưởng bình quân đến năm 2030 phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được quan tâm, hệ thống giao thông vùng ĐBSCL được đầu tư mới, đồng bộ, kết nối, liên thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hạ tầng kỹ thuật vùng vẫn chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, vẫn còn là điểm nghẽn cho sự phát triển của khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; việc thu gom, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển…
Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia kinh tế cũng trình bày các tham luận về thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế vùng; tiềm năng, cơ hội; thách thức phát triển và động lực mới phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL...
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thời gian qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng đã được triển khai như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ…
Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tập trung triển khai 14 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 14.700 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, nếu làm tốt, sớm đưa vào khai thác vận hành các công trình này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực, làm cơ sở để Cần Thơ quy hoạch TP Sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000ha.
Theo UBND TP Cần Thơ, trong quy hoạch TP Sân bay sẽ dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000 ha để xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Cần Thơ đề xuất giai đoạn 2021 - 2030, sẽ xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay để đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2030 - 2050, xây dựng mới thêm 1 khu hàng không dân dụng và 1 đường hạ cất cánh, công suất 15 triệu hành khách/năm...