Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Phối hợp nhịp nhàng, tháo gỡ khó khăn để xây dựng 4.500 phòng học
Sáng 19-3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (gọi tắt là Đề án).
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành báo cáo, thảo luận các giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án để thực hiện Đề án. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, thực hiện Đề án, TPHCM đầu tư 277 dự án từ nguồn vốn ngân sách thành phố với 5.934 phòng học, tổng mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng.
Đồng thời, đầu tư theo phương thức xã hội hóa 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn dự kiến hơn 541.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) 12 dự án (468 phòng); 4 dự án vay kích cầu (87 phòng); kêu gọi xã hội hóa 94 dự án (2.083 phòng).
Với các dự án đầu tư bằng ngân sách thành phố, Sở GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về pháp lý, đề nghị bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng trước quý 1-2025. Còn các dự án theo phương thức xã hội hóa, sở phối hợp các sở, ban, ngành đang thực hiện các giải pháp kêu gọi, huy động nguồn lực để kịp thực hiện thủ tục khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Thông tin thêm, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Phạm Trung Kiên đề xuất hai nhóm dự án có thể triển khai nhanh là đầu tư theo phương thức xã hội hóa và các dự án thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Với nhóm dự án đầu tư theo phương thức xã hội hóa, có thể lựa chọn khối trường mầm non. Đây là nhóm có thể đầu tư nhanh, tăng nhanh số phòng học. Nhóm thứ 2 thuộc trách nhiệm của nhà đầu phải xây dựng trường học, Sở KH-ĐT đang rà soát, kiến nghị UBND TP đốc thúc chủ đầu tư làm nhanh.
Theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 23/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (Nghị định 23), đã hướng dẫn về quy trình thực hiện dự án xã hội hóa. Qua đó, có thể thấy đầu tư theo phương thức xã hội hóa thuận lợi hơn phương thức PPP, sở sẽ nghiên cứu để hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh dự án xã hội hóa.
Còn về các dự án PPP, hiện có 27 dự án được HĐND TPHCM thông qua, nhưng quy trình đầu tư dài và thành phố không chủ động được mà phải phụ thuộc vào nhà đầu tư. Sở KH-ĐT tiếp tục phối hợp triển khai các dự án này, nhưng quan điểm của sở là thúc đẩy xây dựng nhanh trường học theo các phương thức khác.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành, địa phương trong việc xây dựng, chuẩn bị triển khai Đề án.
Đồng chí giao Sở GD-ĐT tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án. Trong đó, xác định các nhóm dự án với thông tin địa chỉ, tiến độ cụ thể và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Cùng với đó là xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, các vấn đề cần tập trung giải quyết, kiến nghị để tháo gỡ.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực, theo dõi, đôn đốc triển khai các dự án và kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Tinh thần là giai đoạn này phải tập trung phối hợp tiến hành các thủ tục, quá trình này là lúc phát hiện, giải quyết các vướng mắc, nên phải phối hợp thường xuyên với nhau”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Song song với việc hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án, Sở GD-ĐT phải tính ngay kế hoạch đảm bảo về tổ chức bộ máy, đội ngũ, kinh phí hoạt động cho các trường mới, tránh tình trạng khi trường xây xong lại không có giáo viên hoặc gặp phải các vấn đề bất cập khác.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở KH-ĐT chủ trì thẩm định, đề xuất bố trí vốn với tinh thần ưu tiên triển khai Đề án; hướng dẫn, nhắc nhở về thủ tục đầu tư. Mặt khác, chủ trì, phối hợp thực hiện thu hút đầu tư theo phương thức xã hội hóa quy trình (như quy trình, hồ sơ, chính sách…), có thể tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư.
Còn Sở Tài chính, ngoài việc phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến bố trí vốn, cần rà soát các nội dung liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Bởi theo báo cáo của các sở, ngành, việc sắp xếp lại công sản để xây dựng trường học cũng rất thuận lợi.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung các nhiệm vụ liên quan đến thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; thủ tục đất đai, xây dựng các dự án… Đồng thời, phối hợp nhịp nhàng trong tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Thông tư số 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Mặt khác, rà soát các trường phải xây dựng tại các khu dân cư, khu đô thị hay đất chủ đầu tư phải giao lại cho thành phố triển khai.
Với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã phải xác định được trên địa bàn có bao nhiêu dự án, vị trí; những thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án và xác định được đơn vị phối hợp để giải quyết. “Tinh thần là phải tập trung giải quyết các vấn đề về thủ tục, hồ sơ dự án. Trong năm nay, dự án đang khởi công, đang thực hiện thì theo dõi đôn đốc để hoàn thành; dự án chuẩn bị hoàn thành hồ sơ thủ tục phải tập trung để năm sau khởi công xây dựng”, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu.
Còn với những khu đất công, nhà kho tư nhân chưa sử dụng trong thời gian tới (ít nhất là 5-7 năm), Chủ tịch UBND TPHCM gợi ý nếu tổ chức được bộ máy, sửa lại đủ chức năng, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu trước mắt thì có thể phân công các địa phương phối hợp xây dựng tạm để phục vụ nhu cầu khẩn cấp.