Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak: Phật giáo cam kết kiến tạo một thế giới hòa bình
Sáng ngày 8/5/2025, lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM), đánh dấu sự thành công của một trong những sự kiện tôn giáo - văn hóa quốc tế có quy mô lớn nhất trong năm. Sự kiện quy tụ hơn 2.700 đại biểu, bao gồm hơn 1.300 khách quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) khẳng định: “Cộng đồng Phật giáo toàn cầu cam kết cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, nhân văn và bền vững”. Đại lễ Vesak 2025 đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, đồng thời mang theo thông điệp sâu sắc về đoàn kết, bao dung và trí tuệ Phật giáo hướng đến sự phát triển chung của nhân loại.

Không gian diễn ra lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Nhật Thịnh
Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và chuẩn bị hướng tới 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận sự kiện này không chỉ là dịp để giao lưu văn hóa, tôn giáo, mà còn góp phần khẳng định vai trò chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn toàn cầu.
Chia sẻ từ xa tại lễ bế mạc, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại lễ Vesak đối với cộng đồng quốc tế.
Theo bà Audrey Azoulay, Vesak không chỉ đơn thuần là một nghi lễ tôn giáo, mà còn là biểu tượng trường tồn của hòa bình, từ bi và đối thoại xuyên văn hóa. Bà cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay đang đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ xung đột vũ trang đến khủng hoảng đạo đức và sự lan rộng của phát ngôn thù hận, những giá trị cốt lõi của Phật giáo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Các đại biểu dự bế mạc đại lễ Vesak 2025 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh
UNESCO hiện đang phối hợp với Sri Lanka tổ chức một triển lãm đặc biệt tại trụ sở chính nhằm tôn vinh di sản Phật giáo, một phần trong nỗ lực kéo dài hơn 40 năm của chương trình “Con đường tơ lụa”, nhằm kết nối văn hóa và tri thức nhân loại.
Trong suốt 3 ngày diễn ra Đại lễ, các diễn đàn học thuật đã quy tụ chư tôn đức, các học giả, đại diện chính phủ và tổ chức quốc tế để thảo luận sâu rộng về chủ đề chính: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người - Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Hòa thượng Phra Brahmapundit đánh giá cao sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các đại biểu. Các chủ đề thảo luận không né tránh những vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, khủng hoảng đạo đức, hay mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan… Qua đó, vai trò của Phật giáo như một nền tảng đạo đức, một kênh đối thoại liên văn hóa, được tái khẳng định trong việc kiến tạo tương lai hòa bình và bền vững cho nhân loại.

Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV). Ảnh: Nhật Thịnh
Hòa thượng Phra Brahmapundit cũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến TP.HCM, một đô thị năng động, giàu truyền thống văn hóa, đã trở thành nơi hội tụ các giá trị tâm linh và tri thức nhân loại. Sự hiện diện của hàng ngàn đại biểu quốc tế tại đây là minh chứng cho tinh thần đoàn kết toàn cầu và cho thấy Phật giáo ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề nhân văn toàn cầu.
Đại lễ Vesak 2025 đã góp phần lan tỏa hình ảnh hoa sen - quốc hoa của Việt Nam và cũng là biểu tượng thanh cao, thuần khiết của đạo Phật như một thông điệp đẹp về sự thanh tịnh, trí tuệ và tình thương đến với bạn bè năm châu.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch ICDV nhấn mạnh: “Với ánh sáng của chánh pháp, với tinh thần từ bi và trí tuệ, chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai nơi con người có thể sống hài hòa với nhau và với thiên nhiên, không phân biệt màu da, tín ngưỡng, quốc gia hay dân tộc”.