Chủ tịch Vĩnh Phúc nhận hơn 53% phiếu tín nhiệm thấp có bất thường?

Nhận trên 53% số phiếu tín nhiệm thấp, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đó là điều bất thường vì những lần lấy phiếu trước ông đều được đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao.

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa 17 tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 28 nhân sự chủ chốt. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, sau khi Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13, nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm đó là ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh có tới 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu), 2 phiếu tín nhiệm (4,26%). Ông Thành cũng là vị Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của cả nước nhận trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp.

Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Chia sẻ với một tờ báo, ông Lê Duy Thành cho biết, kết quả 53,19% số phiếu 'tín nhiệm thấp' ông nhận được là 'rất bất thường'. Bởi theo vị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc những lần lấy phiếu trước đây, ông đều đạt 'tín nhiệm cao'.

Căn cứ để đại biểu đánh giá các mức tín nhiệm đối vị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc là cả quá trình công tác của ông trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Ngoài ra, đại biểu còn căn cứ vào báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân...

Thực tế cho thấy trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc không có gì bất thường so với số 'phiếu tín nhiệm thấp' mà người đứng đầu UBND tỉnh nhận được. Còn về những vấn đề cá nhân, thời gian vừa qua dư luận cũng không nhận thấy những điều tiếng gì đối với ông Thành.

Báo cáo trước HĐND tỉnh, ông Thành cho biết, trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, giữ được một vị thế của một tỉnh phát triển. Các chỉ số phản ánh chất lượng điều hành của UBND tỉnh đều nằm trong tốp 10 toàn quốc.

Đặc biệt chỉ số về phòng, chống tham nhũng của Vĩnh Phúc được các cơ quan chức năng xếp thứ 1. Đáng chú ý, việc thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ là 2,2 tỷ đô la.

"Riêng chi cho an sinh xã hội, những năm của nhiệm kỳ trước Vĩnh Phúc bình quân chi khoảng 20 tỷ đồng/năm thì riêng năm 2022 tỉnh chi tới 743 tỷ đồng", ông Thành nói và cho biết, những mức chi nêu trên là "chi cho con người".

Vĩnh Phúc đã đạt được thành tựu quan trọng và đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo ông Thành, "mang lại hạnh phúc cho dân" là điều "không có gì hạnh phúc hơn".

Ông Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận năm 2023 là năm rất khó khăn sẽ kéo dài sang năm 2024. Cụ thể, sản lượng ô tô thì giảm tới 34%, sản lượng xe máy giảm tới 23%. Mặc dù vậy, theo ông, việc sụt giảm nêu trên là tình trạng chung và Vĩnh Phúc không phải là trường hợp cá biệt. Thậm chí so với một số tỉnh có điểm tương đồng thì tỉnh Vĩnh Phúc có tăng ở mức nhẹ còn các tỉnh giảm sâu.

Do vậy, vị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trước đây ông đều đạt tín nhiệm cao còn nhiệm kỳ này nhận tới 53,19% số phiếu 'tín nhiệm thấp' là 'rất bất thường' cũng là điều dễ chia sẻ. Bởi nếu căn cứ vào bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của ông trước HĐND tỉnh đều thấy những 'mảng sáng' so với kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà ông Thành nhận được.

Cũng vì những gì mà người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho là 'rất bất thường' trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm như vậy mà các cơ quan tỉnh đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc làm rõ vấn đề bất thường về kết quả tín nhiệm thấp của ông Thành.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm khối UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Vũ Việt Văn, Nguyễn Văn Khước, Vũ Chí Giang đều nhận 3 'phiếu tín nhiệm thấp' (chiếm 6,38%). 19 Ủy viên UBND tỉnh còn lại nhận 'phiếu tín nhiệm thấp' từ 0 đến 11 phiếu.

22 cán bộ chủ chốt của khối UBND tỉnh Vĩnh Phúc được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND là cấp dưới của ông Lê Duy Thành, thay mặt Chủ tịch điều hành trực tiếp những công việc được giao; 'chia lửa' với Chủ tịch tỉnh về những khó khăn, thách thức tỉnh gặp phải. Những cán bộ này đều được 47 đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá tính nhiệm cao hơn vị Chủ tịch UBND tỉnh rất nhiều.

Theo Nghị quyết HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ông Lê Duy Thành là người duy nhất được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu (47 đại biểu) đánh giá tín nhiệm thấp. Với số phiếu tín nhiệm thấp nhận được, ông Thành đối diện với hệ quả xin từ chức, nếu không sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm.

Căn cứ theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Như vậy, trong trường hợp này, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thể xin từ chức, còn không sẽ bị HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, theo quy định, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở tờ trình của Thường trực HĐND, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Nếu như ở quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá theo ba mức là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’, ‘không tín nhiệm’ thì ở quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chỉ còn hai mức là ‘tín nhiệm' và ‘không tín nhiệm’.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-vinh-phuc-nhan-hon-53-phieu-tin-nhiem-thap-co-bat-thuong-2227843.html