Chủ tịch xã Tráng Liệt bán đất công trái thẩm quyền: Có truy cứu TNHS?
Huyện ủy Bình Giang quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Quách Văn Hưng, Chủ tịch HĐND thị trấn Kẻ Sặt do bán đất công trái thẩm quyền.
Khai trừ Đảng Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Kẻ Sặt
Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Quách Văn Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Kẻ Sặt (nguyên Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cũ).
Kết luận kiểm tra của Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang cho thấy, thời điểm làm Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cũ, giai đoạn 2011-2019, ông Hưng đã có nhiều vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, tài chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng, kéo dài, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cụ thể, ông Hưng đã chỉ đạo và thực hiện giao đất có thu tiền trái thẩm quyền 13 suất đất của 12 hộ gia đình, 2 hộ dân tổng diện tích khoảng 1.500m2 tại vị trí "đắc địa" trước cổng UBND thị trấn Kẻ Sặt. Đã xác nhận quyền sử dụng đất cho 1 hộ gia đình và thống nhất việc xác nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ trái quy định. Số tiền thu từ giao đất trái thẩm quyền là hơn 7 tỷ đồng.
Liên quan đến những vi phạm đất đai tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã thi hành kỷ luật tập thể Đảng ủy xã Tráng Liệt nhiệm kỳ 2010-2015 bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ địa chính, kế toán, thủ quỹ... của xã Tráng Liệt cũ bằng các hình thức từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng.
Trong quý I/2022, HĐND thị trấn Kẻ Sặt sẽ thực hiện bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND thị trấn Kẻ Sặt nhiệm kỳ 2021 - 2026 và bãi nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Hưng.
Có truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi giao đất trái thẩm quyền, vi phạm quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, việc khai trừ ra khỏi đảng chưa phải là kết cục cuối cùng với ông Quách Văn Hưng và các cán bộ liên quan. Cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ để xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của luật đất đai, lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn không có quyền bán đất, giao đất thổ cư cho người dân sử dụng làm nhà ở. Bởi vậy, việc giao đất là trái thẩm quyền.
Những trường hợp giao đất trước 1/7/2004 thì có thể là vấn đề lịch sử để lại, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không xem xét xử lý. Người dân được giao đất trái thẩm quyền có thể được nhà nước công nhận nếu như đã sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất đó.
Tuy nhiên, việc giao đất trái thẩm quyền thực hiện hiện trong những năm gần đây sau khi luật đất đai 2003, đặc biệt là luật đất đai năm 2013 có hiệu lực pháp luật, khi nhà nước đã có những quy định chặt chẽ, điều kiện kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể xử lý hình sự.
Theo luật sư Cường, chuyển giao đất trái thẩm quyền không còn là chuyện mới, tuy nhiên thường xảy ra cách đây nhiều năm khi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, chính sách và pháp luật về đất đai còn chưa hoàn thiện.
Thời gian gần đây, khi việc quản lý sử dụng đất được quan tâm, đề cao nhiều hơn. Chính sách pháp luật về đất đai ngày càng hoàn thiện, trình độ, chất lượng cán bộ được nâng cao thì những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản công, đến các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, gây bức xúc khiếu kiện trong nhân dân. Bởi vậy, những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất thường là sẽ xử lý bằng các chế tài hình sự.
Trường hợp hành vi được xác định là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân và thực hiện trái công vụ gây thiệt hại cho tài sản nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với chế tài có thể đến 15 năm tù.
Nếu hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện công việc vượt quá thẩm quyền của mình làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ với chế tài cao nhất có thể đến 20 năm theo điều 357 bộ luật hình sự.
Do đó, trong việc này kỷ luật đảng không thay thế chế tài của pháp luật, không phải là kết quả cuối cùng của vụ việc này. Hành vi giao đất trái thẩm quyền xảy ra trong những năm gần đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Thực tế tại nhiều địa phương khi thực hiện xây dựng văn hóa nông thôn thì cần có một nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng. Do thiếu hiểu biết pháp luật và bệnh thành tích nên nhiều cán bộ địa phương đã bán đất trái thẩm quyền để lấy nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới. Sau sự việc xảy ra bộ mặt nông thôn có khang trang hơn, tuy nhiên việc huy động vốn, tìm kiếm nguồn thu như vậy là vi phạm quy định về quản lý đất đai, gây thất thoát tài sản của nhà nước nên hành vi này vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người vì việc công, vì lợi ích của thôn phải của xã mà vẫn phải chịu các chế tài của pháp luật.
Thời gian qua nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý các trường hợp giao đất trái thẩm quyền bằng chế tài hình sự để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, đúng pháp luật. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều vụ vi phạm vẫn xảy ra. Bởi vậy, ngoài việc xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường công tác quản lý đất đai cũng là việc cần làm để giảm bớt những vụ việc như vậy, gây bức xúc trong nhân dân, lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Mời độc giả xem thêm video Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai: