Chủ trọ, người bán hàng xoay xở đủ cách vì công nhân nghỉ việc
Trước tình hình hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM cắt giảm lao động, nhiều chủ trọ, tiểu thương buôn bán các mặt hàng tạp hóa, ăn uống... phục vụ công nhân phải xoay xở đủ cách để có thêm thu nhập.
Nửa tháng nay, khu trọ hàng chục phòng dài hun hút của chị Nguyễn Thị Giang, gần Khu Công nghiệp ở quận Bình Tân vắng lặng. Nhiều căn phòng khóa cửa im lìm do người lao động đã trả phòng trở về quê.
Phòng trọ trống, chủ trọ ngóng chờ công nhân
Cho thuê phòng trọ gần 20 năm, chị Giang cho biết chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như năm nay. Trước đây, dãy trọ công nhân của chị luôn đông đúc và không còn phòng cho thuê, thậm chí có phòng 3-4 người.
Từ cuối tháng 10-2022 đến nay, hầu như có rất ít người hỏi thuê trọ, thậm chí nhiều người đã trả nhà trọ về quê. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, công nhân tiếp tục trả nhà trọ nên trống tới 10 phòng.
Theo lời chị Giang, không riêng gì khu nhà trọ của chị, tại khu vực quanh khu công nghiệp Tân Bình, nơi tập trung dãy trọ công nhân cũng còn nhiều phòng trống, các chủ trọ đang lao đao vì những khoản nợ vay ngân hàng.
Những căn phòng đã trả được chị Giang dọn dẹp sạch sẽ, mong chờ người đến hỏi thuê. Ảnh: T.N
Được biết, dãy nhà trọ của chị có tất cả 49 phòng, giá thuê 950.000 đồng/phòng. Thu nhập mỗi tháng sau khi trừ hết điện, nước và thuế sẽ lãi được 45 triệu đồng/tháng. Với tình hình hiện tại, chị chỉ còn thu 30 triệu đồng/tháng.
“Mặc dù nguồn thu từ việc cho thuê nhà bị ảnh hưởng lớn, nhưng năm nay khu trọ của tôi cũng quyết định không tăng giá để đảm bảo nơi ăn, chốn ở tốt nhất cho công nhân. Tôi vừa chuẩn bị nhập một số hàng hóa thiết yếu về bán để kiếm thêm ít đồng ra đồng vào vượt qua thời gian khó khăn này. Dù bị trả phòng, nhưng tôi vẫn mong cho những công nhân sớm tìm được việc làm mới, trang trải cuộc sống, nếu tiện có thể quay lại đây thuê phòng tiếp tục" - chị Giang trải lòng.
Hàng hóa ế ẩm, thu nhập giảm một nửa...
Đã 8 năm bươn chải với nghề buôn bán rau củ, hằng ngày bà Hồ Thị Tám (62 tuổi) đều đặn từ Long An lên chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) để lấy rau, đem giao cho các tiểu thương bán lẻ xung quanh khu công nghiệp quận Bình Tân.
Bà Tám cho biết, từ ngày các công ty giảm giờ làm, cắt giảm công nhân, thu nhập từ việc buôn bán của bà giảm xuống rõ rệt.
Được biết, bà Tám hiện đang chăm sóc cho người em bị bệnh tâm thần nhiều năm nay. Thu nhập từ việc buôn bán giảm sút, cuộc sống của hai chị em bà Tám giờ đây vất vả hơn. "Bây giờ, mỗi buổi sáng, tôi đi phụ bán cơm ở gần nhà để kiếm thêm tiền lo thuốc, men và tiện chăm sóc em, đến chiều thì chạy đi giao rau, củ" - bà Tám nói.
Bà Tám tâm sự, đợt cắt giảm lao động này đã ảnh hưởng rất lớn đến những người buôn bán như bà. Trước đây, mỗi ngày giao rau, củ, bà thu trung bình 1 triệu đồng/ngày, nhưng giờ đây chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, có những ngày bà còn tồn lại rất nhiều rau, củ. "Hôm nào mệt quá, không ngồi lại bán lẻ được thì tôi đem cho từ thiện, nếu không có thời gian vận chuyển thì cũng đành vứt đi, bị lỗ là chuyện thường tình" - bà Tám thở dài.
Cách đó vài chục mét, anh Nguyễn Minh Công rầu rĩ với số lượng hàng còn lại sau giờ công nhân đã tan làm. Anh buồn bã: “Tôi buôn bán tại khu vực công ty này đã 7 năm nay, chưa bao giờ hàng hóa bán chậm và ế ẩm như bây giờ."
Theo lời anh Công, trước đây mỗi ngày anh có thể bán ra 100kg giờ chỉ còn khoảng 50kg, thu nhập giảm một nửa.
"Với thu nhập hiện tại, tiền ăn, tiền học cho con, tiền sinh hoạt phí, tiền thuê nhà trọ... là không đủ. Tôi bàn với vợ sẽ đi phụ quán ăn vào buổi tối để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều ngày bán còn dư tôi chở hết về nhà, chế biến thức ăn để tiết kiệm một khoản chi phí. Nếu còn dư thì tôi mang cho hàng xóm, chứ vứt đi thì phí lắm, thời buổi khó khăn đỡ được đồng hay đồng nấy" - anh Công nói thêm.