Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Chăm sức khỏe người cao tuổi luôn là vấn đề cần quan tâm, nhất là vào những ngày lễ, Tết bởi vào dịp này, người cao tuổi thường lơ là không tuân thủ chế độ ăn uống, uống thuốc đều đặn; thời tiết cũng thay đổi thất thường... Những điều này khiến người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ tăng nặng tình trạng bệnh lý.
Tết năm 2024, cả nhà chị Nguyễn Thị Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được phen tá hỏa khi bố chị rơi vào tình trạng khó thở, suy hô hấp do tình trạng phổi tắc nghẽn mạn tính. Thời tiết lạnh, chủ quan không bật điều hòa giữ ấm không khí cho nên cả gia đình phải thay phiên ăn Tết trong bệnh viện để chăm ông cụ.
Năm nay, chỉ số không khí ở miền bắc cũng liên tục báo động xấu ở mức nguy cấp, rất bất lợi cho người có bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Anh Trần Văn Ninh (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, bố anh bị tiểu đường 15 năm nay và cứ mỗi dịp cận Tết, gia đình đều rất quan tâm chế độ ăn uống của ông nhưng vừa qua, cháu nội đi du học về nghỉ Tết cho nên ông vui vẻ ăn uống, có lúc còn quên uống thuốc đúng giờ, kết quả là ông phải nhập viện vì chỉ số đường huyết tăng rất cao.
Dịp Tết là thời điểm sức khỏe người cao tuổi cần phải được gia đình đặc biệt quan tâm vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan cùng tác động, làm gia tăng nguy cơ tăng nặng bệnh lý, nhất là với người có nhiều bệnh nền.
Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu.
Ngay sau đó, trời trở rét, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao khiến sức đề kháng của người cao tuổi, người có bệnh càng suy giảm. Các loại virus, nấm mốc… phát triển mạnh trong những ngày thời tiết thay đổi gây nên các căn bệnh về đường hô hấp, rất nguy hiểm cho người có bệnh mạn tính về đường hô hấp.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam) cho biết, kinh nghiệm để người cao tuổi đón Tết an toàn mà các gia đình cần lưu ý là quan tâm chế độ ăn uống: Kiểm soát khẩu phần ăn; hạn chế rượu bia; vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa...
Người cao tuổi không nên quá kiêng khem mà cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng: Chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, chất xơ…; hạn chế ăn các thực phẩm nguồn gốc động vật có chứa nhiều cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật...); hạn chế dùng thức ăn chiên rán, vì nhiệt độ cao có thể phá hỏng acid béo không bão hòa.
Bên cạnh đó, khi chế biến các món ăn truyền thống ngày Tết, người thân trong gia đình có thể cân nhắc cho ít muối hơn, chấm ít nước mắm hoặc xì dầu hơn. Hạn chế ăn mặn sẽ giúp bệnh tim mạch và huyết áp được cải thiện đáng kể. Ðối với những thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, mứt ngọt, nước ngọt, các món ăn chế biến thêm đường… người cao tuổi cần ăn uống hạn chế, kiểm soát để tránh đường huyết tăng cao ở người mắc tiểu đường.
Bác sĩ chuyên khoa I Ðinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Người già thường mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa…, vì vậy, để tránh bệnh tái phát nặng trong ngày Tết, mọi người cần tránh việc ép người cao tuổi uống rượu bia vì ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là những người mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, dạ dày… Bên cạnh đó, người già thường có thói quen tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, hâm đồ ăn lại nhiều lần sẽ không an toàn cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc thực phẩm. Chưa kể đến việc Listeria là loại vi khuẩn có trong các loại thịt cá xông khói, phô mai/sữa chua tiệt trùng, kem lạnh, pate, xúc xích và thịt nguội tồn tại ở nhiệt độ thấp. Vi khuẩn này thường gây các bệnh rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy, sốt…
Bác sĩ chuyên khoa I Ðinh Trần Ngọc Mai khuyến cáo, để bảo quản thực phẩm dư thừa đúng cách, cần làm nguội nhanh các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu, không để chúng ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ; không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh. Lưu ý là thức ăn phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm để bảo đảm mùi vị và chất lượng của thức ăn. Khi hâm nóng thức ăn, hãy bảo đảm thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, nhớ trộn hoặc đảo thức ăn trong lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều.
Ðể vui xuân đón Tết, ngoài việc người cao tuổi tự chủ động theo dõi sức khỏe và tuân thủ lịch sinh hoạt, tập luyện thể dục-thể thao, uống thuốc đều đặn, thì những người thân trong gia đình cũng cần phải thường xuyên hỗ trợ, nhắc nhở ông bà, cha mẹ mình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-trong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-post857789.html