Chú trọng chuyển đổi số trong bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình mới

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành GD&ĐT Phú Thọ đã chủ động thay đổi cách tiếp cận và bồi dưỡng giáo viên. Từ đó, triển khai hiệu quả Chương trình, SGK mới tại các nhà trường.

Giờ ngoại khóa của cô và trò Trường TH Supe

Giờ ngoại khóa của cô và trò Trường TH Supe

Tăng cường ứng dụng CNTT

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Hoàng Thị Chí – Hiệu trưởng trường Tiểu học Supe, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết: Để thực hiện tốt Chương trình GDPT mới, cần phải chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chuyển đổi số trong dạy và học, nhất là dạy học trực tuyến.

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc dạy học, Trường Tiểu học Supe đã tập huấn cho giáo viên cách thức sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như K12online, Zoom, Google meet… Giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh để hướng dẫn các con tham gia học tập trực tuyến đạt hiệu quả. Kết quả đảm bảo 100% giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học; học sinh tham gia học tập đầy đủ, đảm bảo số lượng và chất lượng.

Bên cạnh việc tổ chức dạy học, nhà trường đã bồi dưỡng cho giáo viên lớp 2 nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới; thường xuyên dự giờ để tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên. Ban giám hiệu, giáo vên cốt cán đã hướng dẫn cho giáo viên lớp 2 sử dụng các hình thức dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy, sử dụng sách mềm trong các giờ dạy sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Học sinh Trường TH Supe trong giờ học. Ảnh tư liệu

Học sinh Trường TH Supe trong giờ học. Ảnh tư liệu

Cô giáo Hoàng Thị Chí cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới, trên cơ sở đội ngũ hiện có, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 3 năm học 2022-2023. Tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, tham gia tập huấn giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà về thực hiện Chương trình GDPT mới. Bao gồm các nội dung về sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; tổ chức dạy thực nghiệm các môn học đối với lớp 3; cử giáo viên cốt cán, đội ngũ chuyên gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật dạy học cho giáo viên; bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Sẵn sàng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 7

Nhà giáo Nguyễn Thiều Uyên – Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, TP Việt Trì (Phú Thọ) chia sẻ: Để triển khai dạy và học theo Chương trình GDPT mới, ngay từ những ngày đầu năm học nhà trường đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như: Nghiên cứu nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 6 ở các môn học của các nhà xuất bản được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tổ chức tập huấn cho giáo viên theo bộ môn dưới hình thức Online, trực tiếp… Tổ chức và chỉ đạo các tổ chuyên môn tìm hiểu về các bộ sách giáo khoa lớp 6 và lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nhất để thực hiện. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, theo chuyên đề, công tác kiểm tra đánh giá học sinh cho đội ngũ giáo viên…

Thuận lợi của nhà trường là có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường quan tâm đến việc tiếp cận chương trình mới. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên về thời gian để nghiên cứu kỹ về nội dung, cấu trúc của chương trình lớp 6 đối với từng bộ môn. Tổ chức nhiều hình thức tập huấn cho cán bộ quản lý giáo viên, có kế hoạch cụ thể cho các đợt tập huấn. Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm và ủng hộ đến việc thực hiện Chương trình giáo dục 2018.

Giờ ngoại khóa của cô và trò Trường THCS Lý Tự Trọng

Giờ ngoại khóa của cô và trò Trường THCS Lý Tự Trọng

“Từ những kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 6, nhà trường sẽ có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc bối dưỡng giáo viên từ khâu nghiên cứu nội dung chương trình, các bước chọn lựa sách giáo khoa cho phù hợp với tình hình của nhà trường. Chủ động trong việc huy động các nguồn lực trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các bộ môn. Yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tiếp cận chương trình, phương pháp một cách khoa học khoa học nhất. Tổ chức chọn lựa sách giáo khoa nghiêm túc phù hợp với tình hình của nhà trường và địa phương”, Nhà giáo Nguyễn Thiều Uyên – Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng khẳng định.

Song song với việc thực hiện Chương trình GDPT mới cho khối lớp 6; thời gian vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình đối với lớp 7 của năm học 2022 – 2023 như: Lựa chọn đội ngũ giáo viên, nghiên cứu kỹ nội dung chương trình đối với các môn học; thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 7, tiến hành lựa chọn từ cá nhân đến tổ chuyên môn.

Một giờ học tại Trường THCS Lý Tự Trọng

Một giờ học tại Trường THCS Lý Tự Trọng

Cùng với đó, nhà trường tiếp tục chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…, khi có kết quả phê duyệt nhà trường sẽ tiến hành tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch của Phòng theo nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để giáo viên tiếp cận trước những phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Tiếp tục cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do Sở và Phòng Giáo dục tổ chức… để về tập huấn lại cho giáo viên dạy lớp 7. Làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh, nhân dân nắm được việc thực hiện Chương trình phổ thông 2018, từ đó phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết: Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là một trong những nhân tố quyết định chất lượng giáo dục; nên thời gian qua, huyện Lâm Thao luôn quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong huyện được tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Chính vì vậy, đội ngũ nhà giáo đã nhanh chóng tiếp cận được các nội dung, chương trình đổi mới, phát triển giáo dục và phát huy được sở trường trong công tác, sự sáng tạo, vận dụng hiệu quả trong hoạt động giảng dạy trực tiếp và trực tuyến.

Để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 3 năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao đã chỉ đạo các trường bám sát nội dung, chương trình theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 3 năm học 2022 - 2023 phù hợp với điều kiện thực tế các nhà trường.

Các nhà trường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng kế hoạch đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, kế hoạch dạy học,…đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn tham mưu UBND huyện Lâm Thao bố trí đảm bảo các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 3 năm học 2022 - 2023.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-trong-chuyen-doi-so-trong-boi-duong-giao-vien-thuc-hien-chuong-trinh-moi-qPfIbLrng.html