Chú trọng công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu
Trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng. Trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm quốc gia là gỗ, chế biến gỗ và dược liệu.
Xuất khẩu gỗ đang là thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn.
Hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2021 của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá, với tổng kim ngạch đạt 28 triệu USD, bằng 280% kế hoạch, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 20,5 triệu USD, đạt 683% kế hoạch, tăng 173% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 7,5 triệu USD, đạt 107% kế hoạch, tăng 44% so với năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là bột kẽm sun phát, ván dán, đũa gỗ, hoa quả sơ chế; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc… Mặc dù những năm qua, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp và chưa ổn định qua các năm; các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn hạn chế cả về quy mô và số lượng, thị trường xuất khẩu còn nhỏ hẹp, mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng. Trọng tâm vào các nhóm sản phẩm quốc gia như: Chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần...) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam...).
Đối với nhóm sản phẩm địa phương, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến miến dong, quả tươi; sản phẩm chế biến từ cam, quýt, hồng, mận, mơ, chuối, chè, các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, Curcumin). Nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung phát triển rau, củ, quả; gạo. Nhóm các sản phẩm khoáng sản chế biến (bao gồm kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat...).
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc, như: Bột canxi cacbonat, gỗ dán ép, đũa gỗ, chuối, quả mơ, gừng đã qua sơ chế, miến dong, kim loại chì, kẽm...
Nông sản Bắc Kạn đã xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Đồng chí Hoàng Văn Khởi- Phó trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: "Năm 2021, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh được xuất khẩu như: Hơn 100.446m3 gỗ dán; 1.090 tấn thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải; bột đá thạch anh 16.000 tấn… tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022 sản lượng mặt hàng xuất khẩu như gỗ dán đạt hơn 130.000m3; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải 1.380 tấn; bột đá thạch anh 20.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hơn 36 triệu USD".
Hiện nay, tỉnh có nhiều doanh nghiệp, HTX chế biến sâu mặt hàng gỗ để xuất khẩu. Riêng huyện Chợ Mới hiện có diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC khá lớn. Đây là kết quả mang lại từ Dự án KFW8 thực hiện trên địa bàn các xã: Thanh Mai, Mai Lạp, Cao Kỳ, Thanh Thịnh, Nông Hạ, với tổng diện tích dự án 987ha. Trong đó diện tích đánh dấu cây để tỉa thưa đạt 708ha/533 hộ dân; tham gia tỉa thưa lần 1 đạt hơn 297,5ha; trồng cây bản địa dưới tán rừng keo đạt hơn 37,2ha… Đây là điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến gỗ của Chợ Mới nói riêng và Bắc Kạn nói chung, cũng là thế mạnh cho các nhà đầu tư chế biến gỗ xuất khẩu đầu tư vào tỉnh. Hiện nay tại huyện Chợ Mới đã có hàng chục nhà đầu tư chế biến gỗ với quy mô lớn để xuất khẩu.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn vẫn có chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục đầu tư mở rộng các dự án phát triển vùng nguyên liệu và các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu; tăng cường xúc tiến đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu tại tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, giám định chất lượng…/.