Chú trọng công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em (CSTE) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Hà Giang) làm thiệp giờ ngoại khóa.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Hà Giang) làm thiệp giờ ngoại khóa.

Toàn tỉnh hiện có 275.490 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 32% dân số, trẻ em dưới 6 tuổi có 111.000 trẻ, chiếm 16% dân số. Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Sở ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai đồng bộ hoạt động bảo vệ, CSTE; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, chính sách, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Chương trình giáo dục trẻ em được quan tâm, đảm bảo trẻ em được đến trường, thực hiện tốt quyền được học tập. Các trường học lắp đặt hệ thống camera giám sát để chủ động trong việc ngăn chặn nguy cơ mất an toàn trường học; phòng, chống tội phạm; thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường; thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện xử lý mâu thuẫn, xung đột trong trường học. Hoạt động bảo vệ trẻ em được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp độ: Phòng ngừa; can thiệp giảm thiểu các nguy cơ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em bị tổn thương và hoàn cảnh đặc biệt. Toàn tỉnh hiện có 6.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn); 87.000 trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và khám, chữa bệnh miễn phí...

Duy trì và phát triển phòng khám, tư vấn dinh dưỡng, phát hiện và xử lý một số bệnh thông thường cho trẻ dưới 5 tuổi; thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế các huyện và các Trạm Y tế các xã; hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP cho 57.996 học sinh; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP cho 184.803 lượt trẻ em, học sinh; hỗ trợ học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP cho 4.231 lượt trẻ em, học sinh; duy trì nuôi dưỡng và chăm sóc cho 55 đối tượng trẻ mồ côi và khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; tiếp nhận điều trị, tư vấn chăm sóc đối với trẻ em bị xâm hại, luôn chủ động trong chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân bị bạo lực giới, bạo lực gia đình,…

Ngoài ra, công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em được các cấp, ngành quan tâm, có sự phối hợp chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Các công trình, sân chơi cho trẻ em tại các huyện, thành phố được xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em nhất là dịp nghỉ Hè; tổ chức mở các lớp dạy bơi, võ thuật cho thiếu nhi.

Công tác truyền thông, vận động xã hội được triển khai rộng khắp, thông qua nhiều kênh thông tin đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, CSTE của gia đình, cộng đồng xã hội đã giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại, bạo lực và ngược đãi trẻ em.

Trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý Nhà nước của các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ, phòng, chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em được học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202110/chu-trong-cong-tac-bao-ve-va-cham-soc-tre-em-783212/