Chú trọng đào tạo nghề trọng điểm theo xu hướng thị trường lao động
Đầu tư, phát triển các ngành, nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của các cơ sở đào tạo. Năm 2022-2023, Trường Cao đẳng Bắc Kạn - cơ sở giáo dục đa ngành, nghề duy nhất của tỉnh tập trung tuyển sinh, mở lớp đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đào tạo lao động ngắn hạn theo đơn đặt hàng.
Đầu tháng 8 vừa qua Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã tổ chức nhập học cho 226 học sinh theo học các nghề như: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ ô tô; chăn nuôi thú y; điện công nghiệp; điện dân dụng; khách sạn, nhà hàng và chế biến món ăn. Đây là những ngành trọng điểm quốc gia và xu hướng thị trường đang cần. Nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THCS không học lên tiếp mà chuyển hướng học nghề. So với năm ngoái số học sinh THCS đăng ký học nghề tăng trên 40 em. Đối với hệ cao đẳng nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh vào trung tuần tháng 9 đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT.
Song song với việc đào tạo các ngành nghề, Trường Cao đẳng Bắc Kạn còn chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đối tác cung ứng việc làm trong và ngoài nước như: Công ty cổ phần xây lắp máy LILAMA; Công ty cổ phần cơ khí Sóc Sơn; YAMAHA; SamSung ViNa; Công ty cổ phần phát triển nhân lực Việt Anh; Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế SONA; Khu công nghiệp Thanh Bình- Chợ Mới…
Bên cạnh chú trọng đào tạo nghề hệ trung cấp, cao đẳng, trường còn tổ chức đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu thị trường. Vừa qua Trường Cao đẳng Việt-Hàn Quảng Ninh tiến hành ký kết biên bản hợp tác với Trường Cao đẳng Bắc Kạn trong việc đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Đây là ngành mà xã hội đang cần. Trước đó Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã ký kết đào tạo sinh viên cho Công ty cổ phần thủy điện Sử Pán 1 để phục vụ việc vận hành nhà máy thủy điện Pác Cáp tại huyện Na Rì.
Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh ta đạt trên 45%; tăng so với các năm trước. Nhận thức lựa chọn nghề nghiệp của người dân đã từng bước thay đổi. Các trường đại học không phải còn là chọn lựa duy nhất đối với nhiều người sau khi tốt nghiệp THPT. Học nghề, có việc làm, thu nhập là mục tiêu thực tế nhất của nhiều thanh niên.
Tại Hội nghị về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nâng cao nhận thức về thị trường lao động, coi lao động là một hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Phải phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trung tâm dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới an sinh xã hội. Chú trọng đào tạo kỹ năng cho người lao động, nhất là những kỹ năng mà nền kinh tế cần. Nắm bắt nhu cầu của thị trường và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, đi đúng hướng. Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Định hướng chỉ đạo này đã được các địa phương tiếp thu và triển khai các bước thực hiện.
Ông Trịnh Tiến Long- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết: “Nhà trường luôn bám sát quan điểm lấy người học làm trung tâm; sự phản hồi, đánh giá của doanh nghiệp sử dụng lao động làm thước đo chất lượng đào tạo. Chính vì thế nhà trường luôn có uy tín với doanh nghiệp sử dụng lao động thể hiện qua chất lượng đầu ra của sinh viên sau khi tốt nghiệp”.
Với chiến lược đào tạo mà Trường Cao đẳng nghề đã và đang thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, mở rộng cơ hội tìm việc làm đối với lao động của tỉnh ta./.
P.T