Chú trọng đầu ra cho vụ đông xuân 2020-2021
Là vụ sản xuất chính trong năm, sản lượng lúa, rau màu, cây ăn trái vụ đông xuân 2020-2021 đạt cao nhất so các vụ khác. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cần được quan tâm.
Gắn kết doanh nghiệp
Với diện tích dự kiến xuống giống 230.000ha, vụ đông xuân 2020-2021 của An Giang có thể đạt sản lượng 1,68 triệu tấn, cao hơn hẳn vụ hè thu và thu đông 2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) mới chỉ đăng ký liên kết tiêu thụ khoảng 16,5% diện tích dự kiến xuống giống. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kết nối thông tin DN, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch.
Căn cứ theo lịch xuống giống vụ đông xuân 2020-2021, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt: đợt 1 từ ngày 12-2 đến 26-2-2021, thu hoạch khoảng 280.000 tấn; đợt 2 từ ngày 5-3 đến 19-3-2021, thu hoạch khoảng 370.000 tấn. Ngoài ra, từ đầu tháng 2-2021, sẽ thu hoạch lúa đông xuân liên tục.
Đối với rau, màu, Sở NN&PTNT đề nghị cần tăng cường ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... để tạo ra các sản phẩm rau, màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của DN; hỗ trợ tiêu thụ rau màu trên địa bàn tỉnh trên cơ sở gắn kết giữa DN và hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn...
Thúc đẩy liên kết tiêu thụ rau màu
Đối với cây ăn trái, các ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, tiếp tục mời gọi liên kết và xây dựng vùng chuyên canh với các DN như: Lefarm, Nafoods, Antesco…
Đối với Công ty Chánh Thu, thực hiện gắn kết với HTX trái cây GAP Chợ Mới, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi, Hội làm vườn An Sơn bảy núi; Công ty Kim Nhung liên kết với HTX GAP Bình Phước Xuân, HTX Khánh An, HTX Mỹ Hòa Hưng; Công ty Cát Tường liên kết THT xoài Vĩnh Xương, HTX Long Bình; Công ty Hoàng Phát liên kết HTX Long Bình...
Phát huy vai trò địa phương
Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ đông xuân 2020-2021 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh để tình trạng tồn đọng lúa gạo, rau màu, cây ăn trái khi thu hoạch. Cùng với phát triển các mô hình, vùng sản xuất lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái gắn với tiêu thụ, các địa phương cần chú trọng nâng cao năng lực các HTX đang liên kết, hỗ trợ giới thiệu liên kết mới giữa HTX, THT sản xuất với DN.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động phối hợp Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vụ đông xuân 2020-2021, trong đó chú ý tuyên truyền, triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo thúc đẩy xuống giống đúng lịch thời vụ.
Phối hợp Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code); tuyên truyền, phổ biến cho nông dân tại các vùng trồng cây ăn trái, rau màu về chỉ tiêu, tiêu chuẩn của thị trường khó tính và một số thị trường khác; phối hợp với các DN xuất khẩu nông sản khảo sát các vườn cây ăn trái, rau màu đạt chuẩn để ký hợp đồng xuất khẩu.
Chi cục Phát triển nông thôn được giao đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng “Cánh đồng lớn”, kêu gọi các DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và củng cố các THT, HTX đảm bảo đủ mạnh để đại diện nông dân tham gia liên kết với DN; cung cấp thông tin về các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ để các địa phương liên kết với DN tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong khi đó, Trung tâm Khuyến nông được yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến theo các tiêu chuẩn của DN.
Hiện nay, chương trình phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hội Nông dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang về sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được triển khai. Mục đích của chương trình là hỗ trợ, thúc đẩy các mô hình liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chu-trong-dau-ra-cho-vu-dong-xuan-2020-2021-a289002.html