Chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đột phá phát triển giáo dục đại học
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.
Cần các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học
Phát biểu tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (chiều 11/2) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ.
Hiện nay, có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, cùng với khoảng trên 120.000 học viên sau đại học, cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế giải pháp khoa học công nghệ. Do vậy, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.
![Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_197_51451193/73c738a90de7e4b9bdf6.jpg)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ.
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ GD&ĐT xác định: Thứ nhất cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.
Cần các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp).
Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả. "Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành đưa vào chương trình công tác và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này để cơ bản hoàn thành trong năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị và cho biết, về phía Bộ GD&ĐT đang khẩn trương đánh giá để sửa đổi Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp trong năm nay.
Nhóm nhiệm vụ trong tâm thứ hai là nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống giáo dục đại học và từng cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm gồm: Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học gắn với thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, tổ chức bộ máy và quản trị của từng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng và trình Chính phủ Đề án chuyển các cơ sở giáo dục đại học do các bộ chủ quản về Bộ GD&ĐT quản lý, trừ các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường đào tạo lĩnh vực chuyên sâu đặc thù;
Xây dựng và triển khai các đề án, dự án đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng kinh tế và một số tỉnh; Tiếp tục triển khai các đề án phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy ở Việt Nam; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhất là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường và trong dạy và học.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao về số lượng, chất lượng và cơ cấu phục vụ đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung triển khai Chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và 2 đề án quan trọng đã trình Thủ tướng (Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0); phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể cho các ngành đường sắt, điện hạt nhân và các ngành công nghệ khác.
![Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường phát biểu tại Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_197_51451193/78972ff91ab7f3e9aaa6.jpg)
Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường phát biểu tại Hội nghị.
Cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới
Tại Hội nghị, Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường cũng đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Theo ông Cường, ngoài các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới thì việc phát triển nguồn nhân lực phát triển nhân tạo ngay tại trong nước cần được hỗ trợ của Nhà nước.
"Hiện nay, chúng ta đều thấy phản ánh của thị trường về khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ trong nhiều công đoạn như: Khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể khi AI đi vào các chuyên ngành, chúng ta lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI: Sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông… Do đó chúng ta sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới", ông Cường nói.
Cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, thực tế hiện nay, NVIDIA đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước và các doanh nghiệp như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, FPT… để đào tạo sinh viên.
Thông qua việc triển khai gần 2 năm, NVIDIA mong muốn được đào tạo số lượng lớn và chuyên sâu cho Việt Nam cũng như có một số chia sẻ như sau: Để đào tạo số lượng lớn và chất lượng chúng ta cần số lượng giảng viên có chất lượng cao và cần áp dụng phương thức "train the trainner", cũng như kết hợp giữa phương pháp đào tạo tự học và giáo viên hướng dẫn.
Thứ hai, chương trình cần đào tạo ở cả 3 lĩnh vực: Nâng cấp (upscaling), đào tạo lại (reskilling) nhân lực IT đang có cho các đơn vị công lập, doanh nghiệp, startup; Đào tạo mới cho sinh viên đại trà; Đào tạo chất lượng cao mũi nhọn (NVIDIA có chương trình riêng đang làm việc cùng Bộ GD&ĐT, một số UBND thành phố, các doanh nghiệp lớn).
Thứ ba, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên. Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên để có thể nâng cao số lượng giờ giảng dạy.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:
Muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học thì cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu, cần đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Để làm được việc này, đại học cần một thỏi nam châm để hút nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các danh nghiệp SME. Vậy, nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. 75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho KHCN, ĐMST và CĐS thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học. Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng.