Chú trọng đầu tư về hạ tầng giao thông ở Đông Hà

Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh của thành phố Đông Hà, thời gian qua bằng nhiều nguồn lực đầu tư của trung ương, tỉnh và địa phương, lĩnh vực này của đô thị trung tâm tỉnh lỵ đã có bước chuyển biến tích cực.

 Nút giao đường Nguyễn Huệ - đường Nguyễn Thái Học được đầu tư để đảm bảo an toàn giao thông và làm đẹp mỹ quan đô thị - Ảnh: AQ

Nút giao đường Nguyễn Huệ - đường Nguyễn Thái Học được đầu tư để đảm bảo an toàn giao thông và làm đẹp mỹ quan đô thị - Ảnh: AQ

Mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Tỵ ở đường Nguyễn Đình Chiểu rất phấn khởi khi con đường nhựa bị hư hỏng nặng, trời nắng thì bụi bay mờ mịt, trời mưa rất nguy hiểm đối với người tham gia giao thông bởi những “ổ voi” ngập nước ngày nào đã được đầu tư thảm bê tông nhựa phẳng lỳ. “Đây là mong ước từ nhiều năm nay của chúng tôi bởi khu vực này đông dân cư, thêm vào đó đường Nguyễn Đình Chiểu đi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nên lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn”. Cùng niềm vui này, bà Nguyễn Thị Liên ở đường Trần Bình Trọng chia sẻ: “Việc nhà nước đầu tư hoàn thiện con đường này không chỉ có ý nghĩa đối với người dân bởi việc đi lại, buôn bán được thuận lợi, giá trị đất đai tăng cao mà còn mở rộng không gian, cảnh quan đô thị cũng như dân cư khu vực phía Tây của thành phố”. Đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Trần Bình Trọng chỉ là hai trong nhiều dự án đầu tư về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai ở Đông Hà trong thời gian qua để “làm mới” hạ tầng, sớm đưa thành phố trở thành đô thị loại II. Có thể kể ra nhiều dự án đầu tư về hạ tầng giao thông ở Đông Hà như: Đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên và các tuyến đường khác trên địa bàn ở phường Đông Thanh, Đông Giang, khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục không chỉ cụ thể định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà mà còn tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng và dân cư của thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hiếu; đường Phường 2 đi Đông Lễ - Đông Lương mở ra nhiều triển vọng để phát triển kết cấu hạ tầng, không gian đô thị, cải thiện sinh kế, sinh hoạt của người dân khu vực phía Đông thành phố; đường Lê Lợi nối dài, các đường Trần Phú, Lê Thánh Tông, Bà Triệu, Trần Nguyên Hãn, cầu sông Hiếu và đường dẫn hai đầu cầu… Đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường tạo kết nối vùng ven như tuyến đường vào vùng Khe Lấp, Phường 3 và tuyến nối giữa Quốc lộ 9 và đường Điện Biên Phủ ở Phường 3 và Phường 4. Tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường khác theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt; đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường tạo kết nối vùng ven đô; các tuyến đường khu vực nội vùng vành đai theo đúng quy hoạch phân khu các phường, ưu tiên mở một số tuyến đường trục quy hoạch quan trọng trong khu vực tạo lưu thông đi lại thuận tiện và các tuyến phục vụ sản xuất…

Cùng với phát triển quy mô mạng lưới giao thông, việc khắc phục bất cập, tạo thuận lợi và an toàn tại các “nút cổ chai”, “điểm đen” giao thông ở những vị trí, điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các nút giao giữa các tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông cao nhưng nhỏ hẹp, khuất tầm nhìn, không có đèn tín hiệu, biển báo trên địa bàn cũng được coi trọng thực hiện. Từ năm 2015 đến nay, đã có 16 nút giao thông, “điểm đen” giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng mặt đường, lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu, tạo gờ giảm tốc, sơn kẻ vạch giao thông. Đơn cử như nút giao Hàm Nghi với Nguyễn Trãi, Hàm Nghi với Tôn Thất Thuyết; nút giao Quốc lộ 1 với đường Trần Hưng Đạo - Bùi Thị Xuân; nút giao Quốc lộ 1 với đường Hoàng Diệu; nút giao giữa đường Nguyễn Du và đường Chu Mạnh Trinh; nút giao Nguyễn Thái Học với Nguyễn Huệ… Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn làm đẹp mỹ quan đô thị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Phạm Văn Dũng cho biết, đến nay trên địa bàn thành phố có hơn 528 km đường giao thông với nhiều loại kết cấu mặt đường như bê tông nhựa, láng nhựa, bê tông xi măng và đường đất. Trong đó, có 3 tuyến quốc lộ do trung ương quản lý đi qua địa bàn dài 20,3 km; 20 tuyến do tỉnh quản lý với chiều dài khoảng 35,5 km; 210 tuyến (đã đặt tên) do thành phố quản lý với chiều dài 136,7 km, còn lại là các tuyến đường bê tông và đường đất. “Trong lộ trình đưa Đông Hà trở thành đô thị loại II thì việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là rất cần thiết và kết quả đạt được thời gian qua là quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì lĩnh vực này của thành phố cần được đầu tư nhiều hơn, kịp thời hơn. Địa phương mong muốn trung ương, tỉnh quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn”, ông Phạm Văn Dũng cho biết thêm.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Hữu Hùng cho hay, đối với bất kỳ địa phương nào, hạ tầng giao thông phải luôn đi trước để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và điều này càng có ý nghĩa hơn với TP. Đông Hà. Do vậy, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc cũng như thực hiện tốt hơn việc tham mưu, đề xuất và triển khai các dự án phát triển, nâng cao chất lượng quản lý hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Anh Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152559