Chú trọng dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đặc biệt quan tâm đến công tác nhận định, dự báo về tình hình sinh vật hại trên cây trồng nhằm giúp nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ, giảm thiểu thiệt hại.
Những tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp và khó lường là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu, bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy các loại, chuột,... phát triển. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự tính, dự báo, các đối tượng sâu, bệnh hại được phát hiện và phòng, trừ kịp thời nên các diện tích lúa, cây ăn quả, rau màu của tỉnh vẫn phát triển tốt.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh - Nguyễn Văn Cường, dự tính, dự báo tình hình sinh vật hại là hoạt động rất quan trọng trong nhiệm vụ chuyên môn của ngành Bảo vệ thực vật, nhằm xác định các pha phát dục, thời gian cao điểm của các lứa sâu hại trong từng vụ sản xuất. Đây chính là cơ sở cho công tác tham mưu, chỉ đạo bảo vệ sản xuất tại địa phương, nhất là cảnh báo sớm, hướng dẫn người dân chủ động phòng, trừ, bảo vệ tốt cây trồng.
“Hàng năm, Chi cục đều tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phương án phòng, trừ sinh vật hại trên một số cây trồng chính. Đồng thời, Chi cục tổng hợp báo cáo hàng tuần gửi ngành cấp trên và các cơ quan liên quan nắm bắt để có biện pháp ngăn chặn các loại sâu, bệnh hại, do vậy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh trên cây trồng bùng phát diện rộng” - ông Cường cho biết.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh, toàn huyện có trên 29.600ha lúa Hè Thu và trên 1.000ha cây ăn quả. Công tác điều tra tình hình sinh vật hại luôn được ngành Nông nghiệp huyện quan tâm thực hiện, nhất là vào giai đoạn quan trọng của cây trồng. Hiện ngành tập trung theo dõi tình hình sinh vật hại trên lúa Hè Thu và các loại cây ăn quả để đưa ra các dự báo chính xác, giúp nông dân chủ động phòng, trừ, bảo đảm năng suất cây trồng”.
Công tác dự tính, dự báo chính xác dựa trên các yếu tố phân tích số liệu điều tra đồng ruộng, gồm: Tình trạng cây trồng, sinh vật gây hại và sinh vật có ích, các yếu tố liên quan khác,... kết hợp đặc điểm của từng loài sinh vật hại, dữ liệu lịch sử, xu thế thời tiết và kết hợp với các công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ngày càng bất thường, việc sử dụng một số giống cây trồng không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều làm cho nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng gia tăng đột biến cả về số lượng, diện tích, mức độ gây hại, vượt quá khả năng kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành có thể xảy ra.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Hàng tuần, ngành Nông nghiệp huyện theo dõi, tổng hợp tình hình sinh vật hại cây trồng trên địa bàn huyện để gửi về Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh theo đúng quy định. Căn cứ vào thông tin tổng hợp được và các đánh giá của Chi cục, ngành tập trung thông tin và hướng dẫn người dân cách phòng, trừ sâu, bệnh kịp thời, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Vũ (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Thời gian qua, các dự báo chuẩn xác về tình hình sâu, bệnh hại trên lúa của ngành Nông nghiệp huyện đã giúp nông dân chủ động trong việc phòng ngừa cũng như sử dụng đúng thuốc, liều lượng và đạt hiệu quả cao”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để nâng cao chất lượng dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng, thời gian qua, bên cạnh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng, Sở còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền diễn biến của thời tiết, tình hình phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, biện pháp phòng, trừ. Đồng thời, Sở tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để hạn chế sinh vật gây hại; hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp canh tác hữu cơ để nâng cao chất lượng cây trồng.
Ngoài ra, Sở cũng thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của từng đối tượng dịch hại”./.