Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Môi trường sống ngày càng phức tạp, bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, chính vì vậy, học sinh ngày càng có sức đề kháng kém hơn nếu không có vốn sống và kỹ năng sống cần thiết.

Một buổi sinh hoạt kỹ năng tập thể của học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa

Một buổi sinh hoạt kỹ năng tập thể của học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa

Theo ban giám hiệu nhiều cơ sở giáo dục, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có vai trò quan trọng, vì vậy cả nhà trường và phụ huynh phải cùng phối hợp, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ là chạy đua học các môn văn hóa.

* Cần những mô hình hiệu quả

Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) cho biết, hoạt động ngoại khóa được nhà trường tổ chức suốt năm học chứ không phải bề nổi, làm cho có. Những hoạt động này không chỉ tạo môi trường học tập sôi nổi mà còn giúp học sinh giảm được căng thẳng sau những buổi học chính khóa, đồng thời rèn luyện cách làm việc nhóm, hiểu hơn ý nghĩa của sự kiện mình được tham gia.

Em Nguyễn Thị Hồng Phương, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cho hay: “Vừa qua, nhà trường có tham gia hội thi Nhà sử học nhỏ tuổi do huyện tổ chức. Từ kiến thức được dạy ở trên lớp, chúng em đã xây dựng vở diễn và tự tập luyện để đi thi và tạo bất ngờ cho các thầy cô giáo”.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho biết: “Muốn giáo dục toàn diện thì học sinh phải được trải nghiệm, do đó giáo viên cần bám sát định hướng các bài học, đồng thời sáng tạo giúp học sinh trải nghiệm ngoài thực tiễn cuộc sống. Nếu thiếu đi sự trải nghiệm sau mỗi bài học sẽ là một thiệt thòi không nhỏ với học sinh”.

Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trường học điển hình của Microsoft về ứng dụng công nghệ thông tin. Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Nam cho biết, thay vì cấm học sinh dùng điện thoại thông minh khi đến lớp, nhà trường đã giáo dục cho các em kỹ năng sử dụng hiệu quả. Nhờ rèn luyện nhiều nên kỹ năng công nghệ thông tin của học sinh trong trường ngày càng tiến bộ. Đặc biệt, các thành viên trong ban cán sự lớp là những hạt nhân quan trọng góp phần giúp các bạn trong lớp biết cách sử dụng điện thoại thông minh an toàn, không bị thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống.

Còn cô giáo Trần Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS Lương Thế Vinh (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho hay, trước đây, hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống lâu lâu mới được tổ chức thì nay được nhà trường thực hiện khá thường xuyên. Chủ đề và nội dung các hoạt động phong phú, tạo sức hút cho các em. Chẳng hạn như xây dựng văn hóa đọc trong trường học, phong trào nuôi heo đất giúp bạn nghèo…, lợi ích của việc đọc sách là làm tâm hồn các em phong phú hơn, còn giúp bạn nghèo giúp các em giàu cảm xúc và tình thương hơn.

* Mạnh dạn thay đổi

Dù các cơ sở giáo dục đều nhận thấy vai trò của kỹ năng sống là rất cần thiết với học sinh nhưng không ít cơ sở giáo dục còn loay hoay tìm những mô hình triển khai mang lại hiệu ứng tích cực. Một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động này chưa “bung” mạnh trong trường học là do thiếu sự sáng tạo của giáo viên. Một số trường hiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, không gian chật hẹp nên khó triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, phải kể đến kinh phí tổ chức, nhất là ở những trường công lập được khoán kinh phí hoạt động dạy và học. Còn nếu phải thực hiện thu xã hội hóa từ phụ huynh cũng là vấn đề khiến nhiều trường e ngại, vì phụ huynh có người ủng hộ, người không đồng tình.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, đã đến lúc phụ huynh phải thay đổi cách giúp con em mình trưởng thành với mục tiêu là phải năng động và thích ứng được với mọi điều kiện sống. Không ít học sinh vì học quá nhiều mà thiếu kỹ năng, hoặc được cha mẹ bao bọc nên khi rơi vào tình huống khó khăn lại không biết xử lý ra sao.

Nhiều chuyên gia giáo dục khuyến cáo, muốn học sinh có kỹ năng sống thì trước tiên ban giám hiệu, thầy cô và cả phụ huynh phải thay đổi vì học sinh, vì chính con em mình. Không nên nghĩ giáo dục kỹ năng là những điều quá to tát mà hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, giúp học sinh có hành vi tích cực. Đơn giản như biết bỏ rác vào đúng nơi quy định, tham gia giao thông không vượt đèn đỏ, biết xếp hàng theo trật tự, biết nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ hay biết thành thật xin lỗi khi mình sai...

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/chu-trong-giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-3164197/