Chú trọng nội dung Hà Nội học trong chương trình giáo dục
Sáng 9-5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học 'Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp'.
Hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Đề án thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; các nhà khoa học, đại diện các đơn vị liên quan.
Tích hợp nội dung địa phương vào các môn học
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, những năm qua, các trường phổ thông của Hà Nội đã thực hiện từ tích hợp đến dạy độc lập nội dung địa phương Hà Nội vào các môn học trong nhà trường phổ thông. Hà Nội cũng là địa phương tiên phong đi đầu trong cả nước dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bởi những lý do chủ quan và khách quan.
Hội thảo được tổ chức nhằm có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chương trình, tài liệu nhằm bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên, giúp giáo viên dạy tốt nội dung giáo dục địa phương thành phố Hà Nội trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó, hướng đến thực hiện nhiệm vụ mà thành phố giao cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đào tạo giáo viên dạy môn Hà Nội học trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.
Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, TS Lê Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Đề án 1209, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thực hiện việc dạy tích hợp kiến thức địa phương Hà Nội vào các môn học ở các cấp học từ năm 2008-2009 và năm học này là năm thứ 3 Hà Nội thực hiện giáo dục địa phương nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, rất cần có những cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá đúng chất lượng và hiệu quả của việc dạy kiến thức địa phương Hà Nội trong các trường phổ thông.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 28 tham luận tập trung vào 2 chủ đề: Một số vấn đề chung về Hà Nội học và giáo dục địa phương thành phố Hà Nội; thực trạng và giải pháp dạy giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở các trường phổ thông hiện nay.
Hầu hết tham luận cùng nêu lên những khó khăn chung khi triển khai việc dạy và học nội dung giáo dục địa phương từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ thực tế trên, các tham luận đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó cần giải quyết sớm về vấn đề tài liệu học, vấn đề bồi dưỡng giáo viên...
“Qua 28 bài tham luận gửi đến hội thảo cùng với 3.077 phiếu khảo sát, chúng tôi đã bước đầu có những cơ sở để đánh giá thực trạng dạy giáo dục địa phương của Hà Nội hiện nay. Mục đích hướng đến giáo dục địa phương của Hà Nội phải là một môn khoa học, được đối xử công bằng trong nhà trường, và môn học này sẽ giúp học sinh thêm yêu Hà Nội, là nguồn nhân lực trẻ có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô” - TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục Hà Nội học trong chương trình phổ thông của Hà Nội hiện nay. Trong đó, giáo dục địa phương của Hà Nội phải là giáo dục Hà Nội học cho học sinh phổ thông.
“Vì thế, chúng ta không chỉ dừng lại trong đào tạo giáo viên giảng dạy Hà Nội học mà hướng đến giảng dạy Hà Nội học cho học sinh phổ thông của Hà Nội; đồng thời xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn để giảng dạy cho học sinh phổ thông. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phải trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo mạnh về Hà Nội học của Thủ đô” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Cho rằng đến lúc đưa Hà Nội học trở thành môn học chính của giáo dục phổ thông, GS.TS Phùng Hữu Phú kiến nghị Thành ủy Hà Nội sớm có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này; đồng thời sớm ban hành chủ trương để phát triển ngành Hà Nội học.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh cao ý nghĩa hội thảo, bởi thực tế giáo dục địa phương luôn được thành phố chú trọng giảng dạy trong chương trình phổ thông nhiều năm qua. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục địa phương trong chương trình phổ thông, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, đây là cơ hội để chúng ta giáo dục truyền thống, về vùng đất đang sinh sống và tình yêu Hà Nội cho học sinh.
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chú trọng nội dung giáo dục địa phương trong chương trình sách giáo khoa mới. Trong đó, gắn giáo dục địa phương với lịch sử của từng địa phương, chú trọng đến các yếu tố thời đại, linh hoạt và mở để học sinh hiểu rõ các giá trị về văn hóa, lịch sử, thời đại của Thủ đô Hà Nội.
Đối với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhà trường cần chú trọng truyền tải các thông tin, kiến thức về Hà Nội học cho sinh viên. Trong đó, nhà trường cần xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, xác định các nhóm ngành đào tạo mũi nhọn về đào tạo giáo viên cho Thủ đô; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn của Hà Nội. Trong đó, Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính địa phương mà Hà Nội đang phải đối mặt như thách thức về đô thị hóa, dân số tăng nhanh… để từ đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh.