Chú trọng phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ
Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được huyện Thường Tín (Hà Nội) coi là một trong những đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. Thực hiện hóa mục tiêu đó, huyện đã nhanh chóng ban hành các chương trình, hướng dẫn phát triển khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm 2024 của Chương trình 05-CTr/HU ngày 22/8/2020 của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy Thường Tín đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát các nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2024.
Cụ thể, huyện đầu tư kinh phí cho phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, xây dựng các đề tài sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới mang tính đột phá trong các lĩnh vực. Trong quý 1/2024, huyện đã trình Thành phố đề nghị công nhận sáng kiến kinh nghiệm cho 3 tác giả với 9 đề tài cấp Thành phố.
Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ được quan tâm. Hiện nay, toàn huyện có 9 làng nghề được Thành phố và huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể.
Trong quý I năm 2024, huyện triển khai thêm và đã hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở đối với 2 dự án: Xây dựng nhãn hiệu tập thể Rau an toàn Hà Hồi và Bánh dày Quán Gánh; triển khai cấp mã QR code cho 180 sản phẩm Opcop trên địa bàn huyện được Thành phố công nhận đạt 3 sao, 4 sao.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện; tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố triển khai Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2019-2025…
Trong 9 tháng cuối năm 2024, huyện sẽ tập trung vào một số nội dung tập trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình 05-CTr/HU. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các đề án, dự án, đề tài khoa học để cụ thể hóa Chương trình; duy trì và nâng cao chất lượng áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các hộ gia đình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị của sản phẩm; phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, duy trì và phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; đầu tư hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm hết hộ nghèo.