Chú trọng phát triển năng lượng sạch

Phát triển các nguồn năng lượng sạch để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch được xem là vấn đề quan trọng và cần thiết trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Sóc Trăng đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến phát triển các dự án điện gió.

Là tỉnh có chiều dài bờ biển trên 72km, Sóc Trăng không chỉ có lợi thế phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản mà còn có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt và thế mạnh về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp cùng các ngành, địa phương tích cực kêu gọi đầu tư.

Tính đến nay đã có 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với quy mô công suất 262,4 MW, trong đó có 4 dự án đã khởi công và 5 dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2020. Ngoài ra, tỉnh đã trình Bộ Công thương bổ sung 19 dự án điện gió (trong đó có 5 dự án mở rộng giai đoạn 2 và 14 dự án mới) vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất trên 1690,8 MW. Trong phát triển điện mặt trời, UBND tỉnh cũng đã trình Bộ Công thương bổ sung 6 dự án vào quy hoạch với tổng công suất 147 MW. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có trên 300 hộ dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 6.900 kWp.

Một dự án điện gió ở TX. Vĩnh Châu được khởi công vào tháng 3-2020. Ảnh: HẢI HÀ

Một dự án điện gió ở TX. Vĩnh Châu được khởi công vào tháng 3-2020. Ảnh: HẢI HÀ

Theo đồng chí Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương, các dự án đã khởi công đang được nhà đầu tư và các địa phương thực hiện các thủ tục cần thiết tiếp theo. Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đang tập trung phát triển điện gió để thay nhiệt điện do đây là nguồn năng lượng sạch. Định hướng đến năm 2030, nếu các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh phát triển đúng tiềm năng thì sản lượng điện cung cấp sẽ đạt khoảng 60% - 70% tổng sản lượng tiêu thụ của tỉnh. Từ đó, sẽ giảm sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và giảm tác động tới môi trường.

Mặc dù có lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo nhưng hiện tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn do hạ tầng lưới điện truyền tải phát triển còn chậm tiến độ so với quy hoạch, chưa đáp ứng kịp thời để giải tỏa công suất của các nhà máy điện gió theo nhu cầu đăng ký của nhà đầu tư. Đối với các dự án đã triển khai khởi công, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ do có liên quan đến khâu nhập thiết bị và tổng thầu là nhà thầu nước ngoài.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư và đang trình bổ sung quy hoạch, dự án điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện, nhằm đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện tương ứng với hệ thống phân phối điện. Theo đó lưu ý các dự án điện gió đang trình bổ sung quy hoạch, khi triển khai đầu tư phải triển khai xây dựng hoàn thành đường dây 110kV Bạc Liệu – Vĩnh Châu, Sóc Trăng – Trần Đề, cải tạo lắp mạch 2 đường dây Sóc Trăng – Vĩnh Châu và xây dựng trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu đưa vào vận hành, để bảo đảm giải tỏa được công suất phát điện.

Với những chính sách phù hợp và sự tích cực trong triển khai dự án của nhà đầu tư, các dự án điện gió của tỉnh sẽ phát triển đúng hướng để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Việc phát triển điện gió cũng giúp làm giảm thiểu lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Hà

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/chu-trong-phat-trien-nang-luong-sach-36692.html