Chú trọng phát triển nguồn lực không gian sáng tạo văn hóa

Làm rõ hơn về một số giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng những không gian sáng tạo là yếu tố then chốt, cần thiết để tạo ra sản phẩm văn hóa, mang đến lợi ích kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức sáng 21/3, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội làm rõ hơn về một số giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đồng tình với quan điểm Hà Nội có nguồn lực lớn về di sản vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nêu ý kiến, cùng với nguồn lực di sản văn hóa truyền thống, hiện nay Hà Nội còn nguồn lực nữa là không gian sáng tạo.

Năm 2020, Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đặc biệt, thế giới và cả nước đã ghi nhận những nỗ lực của Thủ đô về phát triển văn hóa. Với việc tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO (2019), sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo, Hà Nội coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội làm rõ hơn về một số giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội làm rõ hơn về một số giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới.

Là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới, đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại…

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần phải đặt ra đối với Hà Nội trong mục tiêu phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển Thành phố hiện nay. Những không gian sáng tạo, điểm đến của văn hóa - sáng tạo, văn hóa - kinh tế... vẫn chưa thể trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế sáng tạo, bởi lẽ mới tập trung vào một số ngành nghề nhất định, có tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế... nên các không gian này chưa có một đời sống sáng tạo mãnh liệt, gắn năng lực sáng tạo với phát triển kinh tế.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho rằng Hà Nội cần tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa, kết nối giữa các địa phương để đưa vào quy hoạch chung; nghiên cứu mô hình chuyển đổi, cải tạo các di sản văn hóa trở thành các không gian văn hóa sáng tạo gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương để tạo lập hoạt động thiết kế sáng tạo trong văn hóa, nghề thủ công phục vụ du lịch, thương mại và phát triển kinh tế địa phương.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 190 không gian sáng tạo. Có thể kể đến một số không gian sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô như: phố đi bộ Hồ Gươm, phố Sách, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân; hệ thống các bảo tàng, viện, trung tâm chuyên về văn hóa, nghệ thuật; các hội nghề nghiệp văn học, nghệ thuật; trường đại học, nhà hát, khu triển lãm và cơ sở dành cho hoạt động biểu diễn...

Ngoài ra, Hà Nội còn hệ thống không gian công cộng, là những không gian mở mà mọi người đều có thể tiếp cận, như hệ thống các công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ cuối tuần, đã và đang được sử dụng cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn. Sự nở rộ của các không gian sáng tạo tại Hà Nội cho thấy tín hiệu vui trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa từ chính cộng đồng, cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội khi lựa chọn đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cũng nhìn nhận, theo nhiều chuyên gia, trước áp lực về đô thị hóa, gia tăng dân số, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để những không gian này là nơi lan tỏa thông điệp về sáng tạo của người dân, nghệ sĩ Thủ đô.

“Ở góc độ nào đó, những không gian sáng tạo này là yếu tố then chốt, cần thiết để tạo ra sản phẩm văn hóa, mang đến lợi ích kinh tế - xã hội. Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nói riêng”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phân tích, các không gian sáng tạo được hình thành trước hết là hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng nhưng lại vận hành theo mô hình của một doanh nghiệp. Vì thế, nếu chỉ thuần túy áp dụng những chính sách kinh tế trong quản lý các doanh nghiệp này như doanh nghiệp thông thường khác, thì sẽ không thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng, thuê mặt bằng kinh doanh... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo phát triển.

Đồng thời bên cạnh việc phát triển văn hóa nhưng cũng phải quan tâm đến thị trường văn hóa. “Chúng ta có sản phẩm văn hóa, tiêu biểu mang đặc trưng nhưng cũng phải có thị trường để đảm bảo phân phối và lưu thông sản phẩm đó. Vì vậy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thị trường văn hóa để phát triển nguồn lực văn hóa Thủ đô”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, trên nền tảng đó, Hà Nội có thể thực hiện được sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Đó là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một điểm đến đáng đến, một thành phố đáng sống.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-trong-phat-trien-nguon-luc-khong-gian-sang-tao-van-hoa-153682.html