Chú trọng phát triển nông nghiệp xanh
Nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho sự chuyển đổi của ngành nông nghiệp. Nhận thức rõ điều đó, nhiều mô hình nông nghiệp xanh (NNX) được triển khai, góp phần nâng cao tỷ trọng nông sản sạch trên thị trường. Sự thay đổi này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp xanh bền vững
NNX với những phương pháp canh tác tiên tiến và thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái. NNX khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và các biện pháp canh tác tự nhiên, giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ đất, tiết kiệm tài nguyên đáng kể.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Trần Thanh Minh, HTX duy trì tổ chức lớp tập huấn hướng đến nền NNX như cách sử dụng phân bón, thuốc trên rau, cách ủ phân hữu cơ hiệu quả, phương thức canh tác không hóa chất.
Sau thời gian áp dụng trên rau màu, nông dân nhận thấy canh tác theo hướng NNX - sạch không chỉ tiết kiệm vật tư đầu vào, chất lượng nông sản vượt xa phương thức canh tác cũ mà còn không ảnh hưởng đến môi trường, chống thoái hóa đất và duy trì độ bền cho cây. Từ đó, nhiều mô hình NNX, nông nghiệp bền vững được nông dân hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi.
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc tập trung triển khai thường xuyên, hiệu quả các chương trình, mô hình về phát triển NNX theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, làm thay đổi tập quán canh tác. Người dân ý thức được lợi ích khi sử dụng phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học đối với cây trồng và đất canh tác. Việc loại bỏ hóa chất nông nghiệp, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, tận dụng Chú trọng phát triển nông nghiệp xanh nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp giúp sản phẩm đạt chất lượng hơn, nâng cao giá trị thương phẩm.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết: “Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, các đoàn thể huyện phối hợp các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm chuyên đề các nội dung liên quan phát triển NNX ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho hội viên, lãnh đạo các chi, tổ hội trong toàn huyện. Ngoài ra, huyện còn tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với hội viên nông dân về các nội dung liên quan đến phát triển NNX để người dân chủ động trong sản xuất”.
Bà Huỳnh Thị Hiền (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ: “Thời gian đầu trồng trọt theo hướng hữu cơ, tôi gặp không ít khó khăn và mất rất nhiều thời gian ủ phân, bắt sâu, nhổ cỏ vì hầu hết đều phải làm thủ công. Nhờ Hội Nông dân xã động viên và áp dụng kiến thức học được từ các lớp tập huấn về phát triển NNX, đến nay đã 9 năm, đất trong vườn tơi xốp, màu mỡ, ít sâu, bệnh, cây sai trái, bảo đảm chất lượng. Tôi rất hài lòng với kết quả đã đạt”.
Được biết, vườn của bà Hiền có diện tích 6.000m2 trồng hơn 240 cây bưởi theo hướng NNX. Phân bón cho cây là loại phân tự ủ tại nhà với các thành phần hữu cơ như bụi cám, vỏ trấu, phân bò, gà, tro củi được mua lại từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi khác ở địa phương. Sử dụng phân tự ủ giúp tiết kiệm chi phí trồng trọt, tăng lợi nhuận cuối vụ, tận dụng các phế phẩm trong sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. “Sản phẩm bưởi ứng dụng NNX của vườn nhà tôi đang trong quá trình đăng ký chứng nhận VietGAP” - bà Hiền nói.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả
Qua công tác đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả từ ngành Nông nghiệp tỉnh và địa phương, người dân, doanh nghiệp, HTX ngày càng nâng cao nhận thức về tính bền vững của sản xuất NNX. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường được triển khai tại cơ sở.
HTX Rau an toàn Phước Hiệp đang liên kết với 111 hộ dân, trong đó có 25 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất các loại rau đạt chuẩn an toàn để cung cấp cho hệ thống siêu thị, trường học có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Thanh Minh cho biết: “HTX phối hợp triển khai, thực hiện mô hình tưới nước tự động, tiết kiệm và trồng rau trong nhà lưới. Mô hình trồng rau trong nhà lưới giúp ngăn ngừa sâu, bệnh gây hại rau, từ đó hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, tăng độ an toàn cho sản phẩm”.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) phấn khởi nói: “Hơn 10 năm tham gia HTX, tôi nhận thấy phát triển NNX là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả bền vững. Nhờ canh tác theo hướng này, các loại rau bán ra thị trường có giá trị cao, từ đó, kinh tế, đời sống gia đình tôi cũng được nâng cao”.
Bắt nhịp “làn sóng” chuyển đổi NNX, Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An) tổ chức triển khai, thực hiện mô hình Vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn nhằm góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn xanh, sạch, an toàn.
Qua triển khai đến nay, có 26 hộ tham gia với tổng diện tích hơn 2ha, thu về kết quả như mong đợi: Không có cỏ dại, không có rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra ngoài môi trường; giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, tận dụng phế phụ phẩm sinh học.
Bên cạnh đó, Hội còn cấp phát 20 thùng nhựa giúp người dân có nơi tập kết bao bì, chai lọ thuốc đã qua sử dụng trước khi Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đến thu để tiêu hủy.
Ngoài ra, để xử lý phế phẩm nông nghiệp là trái bưởi, Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh Trung xây dựng mô hình Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng vỏ trái bưởi non sản xuất tinh dầu bưởi và ruột trái bưởi non dùng ủ phân hữu cơ bón lại cho cây sau khi đạt yêu cầu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Mô hình giúp giảm chi phí đầu vào hơn 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế sử dụng thuốc hóa học giúp kéo dài tuổi thọ của cây, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, Hội tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về NNX nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của nông dân trong sản xuất nông nghiệp”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-trong-phat-trien-nong-nghiep-xanh-a186492.html