Câu hỏi còn bỏ ngỏ sau vụ TikToker bị bắt nạt đến chết ở Malaysia

Dự luật An toàn Trực tuyến sẽ được trình lên quốc hội Malaysia vào tháng tới sau cái chết thương tâm của Rajeswary Appahu, nhưng nhiều người tin rằng điều đó là chưa đủ.

 Rajeswary Appahu tự tử sau khi bị bắt nạt trên mạng.

Rajeswary Appahu tự tử sau khi bị bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trực tuyến đang trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi tại Malaysia trong những tháng gần đây khi nước này tìm cách giải quyết vấn nạn vốn bị che giấu trong bóng tối.

Vấn đề này được đưa ra ánh sáng sau cái chết thương tâm của Rajeswary Appahu - một Influencer đã tự tử sau thời gian dài bị bắt nạt trên TikTok.

Rajeswary Appahu, thường gọi là Esha, được phát hiện đã chết tại nhà riêng vào ngày 5/7, một ngày sau khi cô nộp đơn trình báo cảnh sát cáo buộc 2 người bắt nạt cô trên mạng.

Bản án gây tranh cãi

Rajeswary được cho đã tự tử sau khi phải chịu những lời đe dọa liên tục suốt một tháng.

Sau cuộc điều tra của cảnh sát về tội đe dọa hình sự và quấy rối trực tuyến, hai nghi phạm đã bị buộc tội tại tòa và nhận tội: Chủ sở hữu viện dưỡng lão Shalini Periasamy đã bị phạt 100 RM (22 USD) vì sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trên TikTok; trong khi tài xế xe tải B Sathiskumar bị phạt tù một năm vì xúc phạm bằng lời nói đối với Rajeswary bằng tài khoản TikTok "Dulal Brothers" của anh ta.

Đã 5 tháng trôi qua, gia đình Rajeswary vẫn đang tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng.

"Tôi muốn biết tại sao con gái tôi lại tự tử. Tôi cần phải biết. Tôi là mẹ của con bé. Tôi không thể ngủ được vào ban đêm. Tôi rất buồn vì con tôi đã mất", bà Puspa Rajagopal, mẹ của Rajeswary, nói với CNA.

"Tòa án chỉ phạt 100 RM. Liệu điều này có tạo ra tiền lệ cho những trường hợp bắt nạt tương tự đối với những phụ nữ khác không, ngay cả khi việc troll và đe dọa trực tuyến cuối cùng cướp đi mạng sống của một người?", chị gái nạn nhân, Susila Appahu, đặt câu hỏi.

 Cái chết của Rajeswary Appahu buộc chính phủ phải ra luật để chống bắt nạt trực tuyến.

Cái chết của Rajeswary Appahu buộc chính phủ phải ra luật để chống bắt nạt trực tuyến.

Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng Malaysia, nêu bật những rủi ro mà người dùng mạng xã hội, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt.

Theo số liệu mới nhất do Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia công bố, trong 3 năm qua, đã có 9.483 báo cáo về bắt nạt trên mạng, cao hơn một chút so với 9.321 báo cáo về lừa đảo trực tuyến.

Theo báo cáo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit, năm 2021, 85% phụ nữ đã trải qua bạo lực trực tuyến. Các hình thức phổ biến nhất bao gồm ngôn từ kích động thù địch, quấy rối, doxxing, đe dọa bạo lực và phát tán hình ảnh không mong muốn hoặc nội dung khiêu dâm.

Trong khi Malaysia thiếu dữ liệu cụ thể về giới, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ước tính rằng số lượng tội phạm mạng nhắm vào phụ nữ ở nước này cũng nghiêm trọng và đang gia tăng.

Firzana Redzuan, người sáng lập Monsters Among Us - một tổ chức phi chính phủ nhằm mục đích chống lại bạo lực đối với trẻ em - cho biết luật hiện hành không định nghĩa thế nào là bắt nạt (bullying) hay bắt nạt trên mạng (cyberbullying).

"Điều đó có nghĩa không có sự bảo vệ - không có cách nào để ngăn chặn tội ác và chúng ta không thể nghĩ ra cơ chế nào để hỗ trợ những người là nạn nhân của bắt nạt và bắt nạt trên mạng", bà nói.

Không cảm thấy an toàn

Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như Shakila Zen, một nhà hoạt động lên tiếng về các vấn đề môi trường, và Nandini Balakrishnan, người sản xuất nội dung về nhiều chủ đề bao gồm phân biệt đối xử, nữ quyền và các vấn đề xã hội khác, đã chia sẻ trải nghiệm của họ về sự thù ghét trực tuyến.

Cả hai người phụ nữ đều cảm thấy cuộc sống của họ đôi khi bị đe dọa.

Hai năm trước, Shakila đã nhận được một bản in bàn tay đẫm máu bị cắt rời được gửi đến nhà cha mẹ cô. Kèm theo đó là một lá thư nặc danh đe dọa sẽ tấn công bằng axit vào cô.

"Tôi không bận tâm nếu những lời đe dọa chỉ nhắm vào mình, nhưng khi liên quan đến gia đình, bạn bè và cộng đồng nơi tôi làm việc thì tôi thấy rất lo sợ", Shakila nói.

"Tôi có thể nói cho bạn biết tôi cảm thấy thế nào, vì đó là quyền của tôi. Tôi có quyền bị tổn thương", Nandini chia sẻ về cảm xúc khi bị bắt nạt trực tuyến.

 Sau nhiều tháng, mẹ và chị gái Rajeswary vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời về nguyên nhân cái chết của cô. Ảnh: CNA.

Sau nhiều tháng, mẹ và chị gái Rajeswary vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời về nguyên nhân cái chết của cô. Ảnh: CNA.

Trong khi Dự luật An toàn Trực tuyến sắp được trình lên quốc hội Malaysia với mục đích giải quyết các lỗ hổng pháp lý và thúc đẩy môi trường kỹ thuật số an toàn hơn, cả hai nữ Influencer đều tin rằng điều đó sẽ không đủ để khiến họ cảm thấy an toàn hơn.

Theo luật được đề xuất, các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội phải đảm bảo an toàn, bảo vệ trẻ em dưới 13 tuổi và hạn chế quyền truy cập vào nội dung có hại.

Dự luật này là một trong những bước đi mà chính phủ Malaysia thực hiện để cố gắng làm cho không gian mạng an toàn hơn sau cái chết của Rajeswary.

Vào tháng 8, các quan chức đã thông báo rằng các nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin trực tuyến có ít nhất 8 triệu người dùng địa phương phải nộp đơn xin giấy phép từ chính phủ. Các quy định cấp phép sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Yêu cầu trên là một phần của khuôn khổ quản lý mới nhằm đảm bảo hệ sinh thái trực tuyến an toàn hơn. Một bộ quy tắc ứng xử cho các nền tảng cũng đang được soạn thảo.

Ngoài luật pháp, các chuyên gia cho biết việc biến Internet thành nơi an toàn hơn phải bắt đầu từ chính ngôi nhà của bạn. Bà Firzana cho biết cha mẹ phải hướng dẫn con cái cách sử dụng mạng xã hội thay vì cấm đoán.

Đinh Phạm

Ảnh: @_rajeswaryappahu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cau-hoi-con-bo-ngo-sau-vu-tiktoker-bi-bat-nat-den-chet-o-malaysia-post1515297.html