Chú trọng phát triển trung tâm dịch vụ việc làm

Cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ cho các trung tâm dịch vụ việc làm. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm, nhất là các địa phương ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thống nhất giải thể Quỹ quốc gia về việc làm

Theo Tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ quốc gia về việc làm để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định việc giải thể Quỹ quốc gia về việc làm, giao Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay chính sách để giải quyết việc làm là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, cách thiết kế chính sách này cũng rất đồng bộ với các quy định như: Chỉ thị 40-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Nghị quyết số 42-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhất trí với việc giải thể Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển toàn bộ số dư của Quỹ về ngân sách Trung ương để bố trí dự toán qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay bởi thực tế Quỹ này cũng không cho vay trực tiếp mà giao Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay, báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cần báo cáo đánh giá bổ sung về hoạt động của Quỹ quốc gia về việc làm, số dư của Quỹ đến thời điểm hiện tại. Đáng lưu ý, hoạt động cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội là nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, do vậy, cần rà soát, thống nhất quy định bố trí chi đầu tư phát triển cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét bỏ khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật quy định chỉ chi từ ngân sách địa phương và việc sử dụng chi thường xuyên ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Nội dung còn lại của khoản 2, Điều 8 về nguồn vốn có thể đưa vào điểm b, khoản 1, Điều 8 dự thảo Luật. Bởi lẽ, Quốc hội chỉ cho phép áp dụng thí điểm sử dụng chi thường xuyên ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, vì các Chương trình này cần cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tránh gây phiền hà cho người lao động

Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về đăng ký và quản lý lao động, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý “cần rà soát lại các quy định này có gây phiền hà cho người lao động không, đăng ký thì thực hiện như thế nào. Chúng ta đã thực hiện ứng dụng số rồi, cần nghiên cứu để quy định cho thiết thực, đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.”

 Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ đề xuất của cơ quan thẩm tra về việc bổ sung đối tượng hỗ trợ tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là dân quân thường trực (sau khi hoàn thành nhiệm vụ thường trực). Bên cạnh thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện, việc bổ sung thêm đối tượng này là hoàn toàn phù hợp.

Đồng tình với việc có quy định phát triển trung tâm tư vấn dịch vụ việc làm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, “cần làm rõ trung tâm tư vấn dịch vụ việc làm công như thế nào và tư như thế nào, tránh tình trạng hoạt động lộn xộn như thời gian vừa qua.”

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, so với quy định hiện hành, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm trong dự thảo Luật chưa có nhiều đổi mới. Dự thảo Luật chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ tư vấn viên có năng lực, trình độ chuyên môn sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Các ý kiến đề nghị cần ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ cho các trung tâm dịch vụ việc làm. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm, nhất là các địa phương ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn. Các địa phương khẩn trương ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật sử dụng ngân sách nhà nước đối với trung tâm dịch vụ việc làm do địa phương thành lập để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ cho phù hợp.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-trong-phat-trien-trung-tam-dich-vu-viec-lam-post391300.html