Chú trọng phòng dịch cùng với ổn định sản xuất kinh doanh
Ngày 3-3, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ trong tháng 3-2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh cũng như xác định các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt nhằm vượt qua khó khăn, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
* Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất
Đến đầu tháng 3 này, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã phải thu hẹp sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu của DN trong tỉnh chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi đó nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu tại 2 nước này phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019. Thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là 2 dự án tầm quốc gia là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án Đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và 7 dự án trọng điểm của tỉnh.
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho biết: “Đồng Nai có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là giày da, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử phải nhập khẩu nguyên liệu khoảng 60-70% từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Vì vậy, 2 nước trên xảy ra dịch ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung đầu vào cho sản xuất công nghiệp của tỉnh”. Cũng theo ông Phương, Sở Công thương sẽ tiếp tục tổng hợp tình hình khó khăn, đề xuất của DN gửi UBND tỉnh và Bộ Công thương để được hỗ trợ tìm thị trường cung ứng nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, Sở đã làm việc với các DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu trong trường hợp không may dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao thì các DN sẽ tham gia bán hàng bình ổn giá.
Bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm của tỉnh đạt gần 5,54 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhập khẩu đạt hơn 2,3 tỷ USD, giảm gần 7%. Cục Hải quan đã làm việc với các hiệp hội DN và 30 DN có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn của tỉnh thì nguồn nguyên liệu chỉ đủ cho sản xuất đến ngày 20-3-2020. Hiện các DN đang tìm nguyên liệu từ nơi khác để bù lại.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, trong 2 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thương mại, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, tình hình sẽ khó khăn hơn khi từ tháng 3 các DN hết nguyên liệu dự trữ để sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản xuất ngành công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu...
* Không chủ quan, lơ là trong phòng dịch
Thời gian qua, Đồng Nai thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, những trường hợp đến từ vùng dịch đã kịp thời cách ly, theo dõi. Đến nay, Đồng Nai chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đánh giá: “Dịch Covid-19 được tỉnh kiểm soát chặt chẽ, đồng thời ngành Y tế chuẩn bị sẵn các trang thiết bị, thuốc phun xịt sát trùng và 2 ngàn giường bệnh để trường hợp xảy ra dịch sẽ kịp thời cách ly, điều trị. Về phía người dân trên địa bàn tỉnh khá chủ động trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, vấn đề ngành Y tế lo lắng là nếu xảy ra dịch có thể thiếu nhân viên y tế phục vụ công tác điều trị”.
Tính đến nay, Đồng Nai có 17 trường hợp phải cách ly theo dõi, có 13 trường hợp đã loại trừ và đang theo dõi 4 trường hợp. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước nên Đồng Nai không thể lơ là trong công tác phòng chống dịch. Trên địa bàn tỉnh có đông người nước ngoài đến làm việc, do đó Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở LĐ-TBXH và ngành Công an phải phối hợp theo dõi chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, tiến hành cách ly ngay để bảo vệ sức khỏe cho người dân trong tỉnh. Đồng thời cần đảm bảo tốt công tác khử trùng tại các trường học, nơi công cộng đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, hiện tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều được phun xịt khử trùng. Từ ngày 2-3, học sinh THPT đã trở lại trường đạt tỷ lệ 97,5%. Sở đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra các trường THPT, các nhóm trẻ về công tác phòng dịch Covid-19.
* Sớm có giải pháp ổn định sản xuất
Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, bên cạnh việc thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, các sở, ngành, địa phương cần theo dõi tình hình, đánh giá các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, nhất là xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải, dịch vụ. Từ đó, kịp thời có những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nỗ lực đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường lưu ý, từ tháng 3 trở đi, có thể ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ nặng nề hơn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều DN sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động. Do đó, các sở, ngành chức năng cần khẩn trương tổng hợp những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác để ổn định sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ngoài những nhiệm vụ trọng tâm nói trên, các sở, ngành và H.Long Thành cần tập trung cho công tác bồi thường, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đến tháng 10-2020 có đất bố trí tái định cư cho người dân.