Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh sau lũ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Để bảo đảm sức khỏe người dân, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ, ngành Y tế chủ động ứng trực, bảo đảm đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao

Những ngày qua, mưa lớn cùng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, vượt báo động 3, nhiều địa phương bị chia cắt, hàng nghìn hộ bị nước ngập vào nhà. Toàn tỉnh có 26 người bị thương được đưa đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, huyện Lục Ngạn có 9 trường hợp, Lục Nam có 6 trường hợp, Tân Yên có 4 trường hợp, còn lại ở các địa phương khác.

 Cán bộ Trạm y tế thị trấn Chũ (Lục Ngạn) hướng dẫn người dân xử lý nước giếng đào bằng cloramin B.

Cán bộ Trạm y tế thị trấn Chũ (Lục Ngạn) hướng dẫn người dân xử lý nước giếng đào bằng cloramin B.

Theo Sở Y tế, cùng với tai nạn gây thương tích, trong và sau mưa lũ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ngập ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, ngoài da, sốt xuất huyết… Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh nói: “Khi mưa bão, người dân vẫn có thói quen tích trữ thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên nếu điều kiện bảo đảm không tốt, tích trữ dài ngày… thực phẩm dễ bị ôi, thiu. Cùng đó, mưa kéo dài, môi trường ẩm ướt, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có cơ hội sinh sôi, nảy nở làm người dân dễ bị nhiễm bệnh”.

Ghi nhận tại xã Tiên Sơn (thị xã Việt Yên), đến trưa 12/9, toàn xã có 80 hộ bị chia cắt (chủ yếu ở thôn Thượng Lát) và 55 hộ thuộc các thôn: Hạ Lát, Thần Chúc bị nước tràn vào nhà. Qua giám sát của Trạm Y tế xã, từ ngày 10/9 đến nay, trên địa bàn xã có 4 trường hợp bị bệnh tiêu chảy. Những trường hợp này đã được khám, điều trị, không phát sinh thêm ca bệnh mới. Tương tự, tại các địa phương bị ngập úng, chia cắt thuộc huyện Yên Dũng cũng phát sinh những ca bệnh dị ứng, tiêu chảy. Trong 2 ngày qua, Trạm Y tế xã Đồng Việt tiếp nhận, khám và điều trị cho 3 trường hợp bị tiêu chảy, dị ứng; Trạm Y tế xã Trí Yên cũng phải sử dụng thuyền đưa thuốc tiêu chảy đến 2 hộ dân bị chia cắt trong xã.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Dũng cho biết: “Qua nắm bắt, các trường hợp trên đều có sử dụng nguồn thực phẩm tích trữ song do mất điện, tủ lạnh không hoạt động dẫn đến mất an toàn. Tại những địa phương này, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn mang tài liệu cấp phát và tuyên truyền đến 100% các hộ về bảo đảm vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh sau lũ”.

Bảo đảm đủ thuốc, hóa chất khử trùng

Từ 15 giờ chiều 9/9 đến 10 giờ sáng 10/9, trên địa bàn thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) có hơn một nghìn hộ dân bị nước tràn vào nhà và gần một nghìn hộ nước ngập đến sân. Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, từ chiều 10/9, Trạm Y tế thị trấn đã triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng lũ. Tại gia đình bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1968), tổ dân phố Làng Chũ, cùng với hỗ trợ gia đình dọn rác thải, cán bộ y tế thị trấn cấp cloramin B và hướng dẫn bà Vinh cách khử trùng nguồn nước, bảo đảm có nước sạch nấu ăn và sinh hoạt.

Toàn ngành Y tế thành lập 50 tổ tìm kiếm cứu nạn, 36 tổ cấp cứu, 22 tổ chuyển thương, 14 tổ vệ sinh dịch tễ, 10 tổ khắc phục sự cố an toàn thực phẩm. Cùng đó huy động 31 xe cứu thương, 11 xe phòng, chống dịch, khử khuẩn.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1960), tổ dân phố Quang Trung cũng được cán bộ y tế thị trấn đến tận nhà phun khử khuẩn, hỗ trợ xử lý nguồn nước sinh hoạt. “Sau khi nước rút, điều tôi lo lắng nhất là thiếu nước sạch sinh hoạt cũng như các dịch bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra. Được cán bộ hướng dẫn, tôi biết cách tự xử lý nguồn nước, đồng thời thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi và mắc màn khi đi ngủ”, bà Hồng chia sẻ.

Qua thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh còn 35 thôn bị chia cắt, khoảng 7 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3; các điểm ngập lụt, chia cắt chủ yếu ở các khu dân cư ngoài đê. Để kiểm soát tốt dịch bệnh sau mưa lũ, Sở Y tế vừa thành lập hai đoàn kiểm tra công tác ứng phó, vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại huyện Yên Dũng, cùng với tăng cơ số thuốc đang có tại đơn vị lên gấp đôi ngày thường, TTYT huyện cấp bổ sung thêm 30% cơ số thuốc điều trị các nhóm bệnh về mắt, tiêu hóa và da liễu cho trạm y tế tại các xã đã ngập và có nguy cơ ngập úng gồm: Trí Yên, Đồng Việt, Đồng Phúc và Tân Liễu. Cùng đó phân bổ cho mỗi trạm 25 kg cloramin B để chủ động khử khuẩn khi nước rút.

TTYT các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam cũng đã phân bổ cloramin B, sổ tay hướng dẫn phòng dịch cho 100% các xã, thị trấn. Tại huyện Hiệp Hòa, TTYT huyện dự trù hơn 1 tấn cloramin B, sẵn sàng cho việc xử lý môi trường ngay khi nước rút. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của các địa phương, đến nay, CDC tỉnh đã chuyển hơn 3,6 tấn cloramin B, một nghìn đôi găng tay y tế, 200 viên khử khuẩn và 10 lít thuốc diệt muỗi cho TTYT các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa và một số bệnh viện tuyến tỉnh.

Ông Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dự báo những ngày tới, tình hình dịch bệnh phát sinh sau lũ có thể diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng các bệnh về tiêu hóa, mắt, sốt xuất huyết. Để chủ động phòng ngừa, cùng với bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất, Sở đã yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh duy trì các tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương bị ngập úng tổ chức khám, điều trị cũng như khoanh vùng dập dịch (nếu có). Sở giao cho CDC tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-trong-phong-ngua-dich-benh-sau-lu-075710.bbg