Chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai sâu rộng và tạo được những chuyển biến tích cực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở được xây dựng, hoàn thiện; chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp ngày càng được nâng cao. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai sâu rộng và tạo được những chuyển biến tích cực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở được xây dựng, hoàn thiện; chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Trần Minh Thắng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có tác động tích cực trên nhiều mặt, lĩnh vực, tạo đồng thuận và phát huy được trí tuệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và tích cực tham gia thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Tiêu biểu là thời gian qua, nhân dân đã đồng tình với chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, điều chỉnh địa giới hành chính, phương án đền bù các công trình trọng điểm của tỉnh. Trong đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đến nay, Nam Định đã hoàn thành sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã, giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 229 xuống còn 226 đơn vị. Triển khai thực hiện Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 9-4-2020 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và phân loại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định”, đến nay, toàn tỉnh có 3.406 thôn, xóm, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư); có 3.129 tổ công tác mặt trận, đã tổ chức cho nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở các khu dân cư, đã có 222/226 xã, phường, thị trấn có 100% khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đạt 98,23%).
Trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được các cấp ủy, chính quyền thể chế hóa và đi vào cuộc sống; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở được chú trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát triển, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn bám sát và thực hiện các quy định của QCDC, thường xuyên coi trọng, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do tỉnh, huyện phát động. Thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, các xã, phường, thị trấn nghiêm túc công khai đến nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư; các chính sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế; đối tượng, mức thu các loại quỹ, các khoản phí, lệ phí... Những việc nhân dân được bàn, quyết định trực tiếp như đóng góp xây dựng nhà văn hóa xóm, đường giao thông nông thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội… được triển khai thực hiện tốt. Những việc nhân dân bàn, tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định như xây dựng quy ước, hương ước, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng… được thực hiện bằng nhiều hình thức. Nhờ thực hiện QCDC ở cơ sở, nhân dân tích cực tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp các chủ trương, mức đóng góp xây dựng, đóng góp ngày công lao động, tiền mua nguyên vật liệu bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân được thực hiện nền nếp, tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.
Những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,8%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14,7%; Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 15,8%; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 75% dự toán và tăng 31% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến nay, toàn tỉnh có 106/204 xã, thị trấn (chiếm 52%) đạt chuẩn NTM nâng cao; đã hoàn thành thẩm định 65 xã, thị trấn đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Trong thực hiện các dự án trọng điểm, tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư triển khai một số dự án lớn như: Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đầu tư 88 nghìn tỷ đồng; xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận (diện tích 158ha với tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng)…
Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, đồng bộ ở các cấp, các ngành. Trong đó, việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. 226/226 xã, phường, thị trấn đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” (đạt 100%). Việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, hộ tịch, công chứng, chứng thực... được công khai, nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ công dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiều chuyển biến; trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và của trưởng thôn, xóm, tổ dân phố được nâng lên góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền về thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn