Chú trọng tiêm phòng vắc xin bảo vệ đàn gia súc, gia cầm
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn. Nguyên nhân là do thời tiết chuyển mùa, các loại mầm bệnh lưu hành với tỉ lệ cao… Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trao đổi với chúng tôi khi đang cùng với cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà gần 100 con của gia đình, ông Nguyễn Văn Thanh ở tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi nên khi thôn, xã thông báo lịch tiêm phòng ông đều đăng ký tham gia đầy đủ. Ngoài ra, định kỳ ông còn thực hiện việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh. Nhờ vậy đàn gia cầm của gia đình ông luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, không còn bị hao hụt do dịch bệnh.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho hay, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch bệnh trên diện rộng nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn vật nuôi, phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Thực hiện việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn. Đồng thời, thực hiện quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện.
“Đến nay lực lượng cán bộ thú y cơ sở đã tiếp nhận và tiêm phòng được hơn 2.630 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, đạt 70,8% kế hoạch; hơn 3.075 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM), đạt 76,9% kế hoạch; tiêm được hơn 10.740 liều vắc xin kép lợn tam liên, đạt 103,2% kế hoạch; hơn 42.630 liều vắc xin cúm gia cầm…”, ông Lượng thông tin.
Tại huyện Triệu Phong, ông Trần Thiện Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, với tổng đàn gia súc ước đạt trên 42.200 con, đàn gia cầm trên 764.000, hằng năm mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất những dịch bệnh có thể xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đàn vật nuôi và các khu vực công cộng trên địa bàn. Hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý, ngăn chặn ổ dịch mới phát sinh không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng ảnh hưởng đến cộng đồng. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh theo quy định, đảm bảo trên 80% tổng đàn; đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, LMLM, viêm da nổi cục…
Xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trường hợp chủ vật nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi và không tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định nếu vật nuôi mắc bệnh cương quyết tiêu hủy và không được hỗ trợ. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; bố trí địa điểm tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh theo đề nghị của cơ quan thú y.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 12 xã gồm Triệu Vân, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu An, Triệu Long, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Giang, Triệu Thượng, Triệu Ái. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 234 con với tổng số 16.357kg của 87 hộ. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát”, ông Nhân cho biết thêm.
Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu thông tin, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi và ổn định sản xuất, đơn vị đã phối hợp với các địa phương triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tổ chức tốt kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân với trên 10.660 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 13.400 liều vắc xin LMLM trâu, bò; 49.350 liều vắc xin kép lợn; hơn 308.000 con gia cầm đã được tiêm…
Tuy nhiên, theo nhận định, mặc dù đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tái phát là rất lớn. Nguyên nhân là do tổng đàn gia súc, gia cầm có thể tiếp tục gia tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ trọng lớn (hơn 95%); các loại mầm bệnh lưu hành với tỉ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; thời tiết chuyển mùa, biến động, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; ảnh hưởng của COVID-19 thời gian qua đã làm công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là việc triển khai tiêm phòng gặp nhiều khó khăn, nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại…
Theo ông Hậu, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đề nghị các địa phương khẩn trương tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin đảm bảo tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm phòng vắc xin nhưng sắp hết thời gian miễn dịch. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
“Chi cục CN&TY đã tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; các biện pháp ngăn chặn các loài trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, vật tư, hóa chất và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra nhằm hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng, đặc biệt là với các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, LMLM, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi...”, ông Hậu thông tin thêm.