Chú trọng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Mô hình Bể thu gom bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên cánh đồng tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Ảnh: NGỌC HÂN

Theo Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, các tiêu chí được quy định chặt chẽ hơn so với trước, trong đó tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất.

Vượt khó thực hiện

Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn mới có 12 chỉ tiêu (tăng 7 chỉ tiêu so với giai đoạn trước). Trong đó có nhiều điểm mới, yêu cầu cao hơn như: tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98% trở lên; tỉ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp đạt 50% trở lên; tỉ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 50% trở lên; tỉ lệ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường đạt 95% trở lên…

Theo ông Nhân, trong quá trình thực hiện, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống. Qua rà soát tình hình thực hiện từng chỉ tiêu của tiêu chí số 17 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, kết quả đến nay có 29/83 xã đạt tiêu chí này, tỉ lệ 35%.

Được đánh giá là xã có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp của huyện Tây Hòa, Hòa Phú luôn xác định giữ gìn vệ sinh môi trường là việc làm hàng ngày, cần sự quan tâm và tham gia thường xuyên, liên tục của mọi người, mọi nhà. Ông Trần Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: Mỗi tuyến đường sau khi nâng cấp, địa phương huy động các hội, đoàn thể, người dân chung sức giữ gìn vệ sinh, tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thường xuyên tuyên truyền, chỉ đạo các hội, đoàn thể, người dân tự trồng hoa, cây xanh ven đường, trước cửa nhà, duy trì chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng. Những con đường vừa sạch sẽ, vừa xanh tươi làm cảnh quan nông thôn nơi đây thêm tươi mới, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường.

Ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán và nét văn hóa riêng. Để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường, Sơn Giang đã tiến hành xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc. Đến nay, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 90%; tỉ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 86%...

Chung tay bảo vệ môi trường

Với mục tiêu chung tay bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn, nhiều địa phương đã huy động cộng đồng chung tay bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, tạo nên những vùng quê đáng sống.

Điển hình tại xã An Nghiệp (huyện Tuy An), thời gian qua, Hội Nông dân xã đã có nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường nông thôn. Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, nhận xét: “Nhận thấy rác thải là một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến môi trường, Hội Nông dân xã An Nghiệp đã đứng ra vận động và thành lập được 8 mô hình Nông dân tham gia bảo vệ môi trường với gần 150 thành viên. Thông qua các mô hình này, nhiều hội viên và bà con nông dân tại các thôn đã nâng cao nhận thức và ý thức về vệ sinh môi trường; cùng nhau thu gom, phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt trong gia đình; xử lý vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đúng nơi quy định. Qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân đối với công tác bảo vệ môi trường sống trên địa bàn dân cư”.

Tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhận thấy hàng năm, số lượng bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường rất lớn, Hội Cựu chiến binh xã đã đề xuất xây dựng mô hình Bể thu gom bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các cánh đồng. Mô hình này đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, sự tự giác của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn xã. “Với số lượng ban đầu 22 bể tại thôn Phước Hòa và Phú Xuân B, đến nay có đến hàng trăm bể chứa, được đặt ở gần các lối đi, trên tất cả các cánh đồng của xã. Ngoài xây dựng bể chứa, hội còn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt ở khu dân cư; tổ chức cho hơn 1.200 hộ dân ký cam kết bỏ bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vào bể chứa. Từ khi xuất hiện những bể thu gom thì vỏ thuốc, túi ni lông được nông dân để đúng chỗ”, ông Nguyễn Nhàn, quyền Chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho biết.

Xác định vấn đề môi trường, cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, thời gian đến, tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Trong đó tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 90% xã NTM và 50% xã NTM nâng cao đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/306998/chu-trong-tieu-chi-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi.html