Chú trọng tuyên truyền công tác bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng
Năm 2023, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tập trung công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCC) dưới nhiều hình thức; chủ động xây dựng phương án BVR-PCCCR, tăng cường công tác dự báo...
Chiều 24/3, UBND huyện Thạch Hà tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR), phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Trong tất cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Hà, có 16 xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp với diện tích 8.748,18 ha (quy hoạch rừng phòng hộ là 3.064,47ha và quy hoạch rừng sản xuất là 5.683,71ha), chiếm trên 25% diện tích tự nhiên.
Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao tập trung trên địa bàn 4 xã ven trà sơn (Nam Điền, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn, Ngọc Sơn) và 7 xã biển ngang (Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Văn, Thạch Hội).
Thời gian qua, Thạch Hà đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác chuẩn bị và xử lý tình huống cháy rừng; tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang nâng cao ý thức chủ động; đầu tư cho công tác BVR-PCCCR; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát.
Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý 3 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phạt tiền 43 triệu đồng, tịch thu 1,77 m3 gỗ; phối hợp chính quyền địa phương tuần tra, xử lý tình trạng đánh bắt, lưới, bẫy trái phép các loại chim tự nhiên...
Năm vừa qua, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền nên trên địa bàn huyện Thạch Hà không xảy ra cháy rừng.
Về công tác PCTT-TKCN, năm 2022, với quan điểm phòng hơn chống, huyện đã chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng tránh; các phòng, ngành vào cuộc quyết liệt cùng sự chủ động từ Nhân dân nên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, UBND huyện đặt mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp; vai trò, trách nhiệm của chủ rừng; bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích 407,5 ha rừng tự nhiên hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng 6.704,92 ha rừng trồng, phấn đấu độ che phủ rừng ở mức 16,7%; phấn đấu ký cam kết BVR-PCCCR cho 1.200 hộ gia đình là chủ rừng...
Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan; kiện toàn BCĐ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 các cấp; làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, xây dựng kế hoạch BVR-PCCCR, dự báo và phát hiện sớm cháy rừng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp BVR-PCCCR...
Đối với công tác PCTT&TKCN, Thạch Hà tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức PCTT cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng và hoàn thiện các phương án về PCTT gắn với tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm tron mọi tình huống; kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình PCTT có nguy cơ mất an toàn...
Hội nghị cũng đã được nghe đại diện các ban, ngành, địa phương thảo luận một số nội dung về chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống cháy rừng, bố trí lực lượng đảm bảo công tác PCTT và TKCN cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm của địa phương...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh về sự cần thiết của việc củng cố, kiện toàn BCĐ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 các cấp.
Lãnh đạo UBND huyện Thạch Hà cũng cho rằng, các ban, ngành, địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; bố trí, huy động lực lượng đủ số lượng và chất lượng đảm bảo công tác PCTT&TKCN, BVR-PCCCR; xây dựng các phương án cụ thể, sát thực tiễn tại từng địa phương...