Chú trọng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay, công tác xây dựng gia đình của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn các gia đình được nâng lên; kinh tế hộ gia đình được chú trọng phát triển. Hạnh phúc gia đình được quan tâm; bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao…

Tại Cao Bằng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Chú trọng xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức đối với gia đình và công tác gia đình; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Chính sách đối với trẻ em được mở rộng đối tượng thụ hưởng. Các chính sách, chương trình đều hướng tới hỗ trợ gia đình nghèo và trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bị bóc lột, bỏ rơi và có hoàn cảnh đặc biệt.

Các huyện, Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên phạm tội”, “Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em”. Xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ). Năm 2023, toàn tỉnh có 144/161 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 99% trẻ em hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc; 99,5% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí; 99% trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh…

Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen các gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2003 - 2023.

Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen các gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2003 - 2023.

Nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được nhân rộng, số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể. Nhiều mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tự quản về an ninh trật tự, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa bàn dân cư được thành lập để quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Công tác giáo dục đời sống gia đình được chú trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về việc gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình.

Kinh tế hộ gia đình được chú trọng, trong đó quan tâm đến xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyên canh, thâm canh, phát triển các giống cây đặc sản phù hợp với từng địa phương, đầu tư trang thiết bị tiên tiến, áp dụng các công nghệ mới. Thông qua nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng, xã hội hóa, công tác giảm nghèo đạt được những tiến bộ ấn tượng. Hết năm 2023, toàn tỉnh giảm 5.349 hộ nghèo (tương đương giảm 4,23%/năm), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71%. Hộ nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiếp cận dịch xã hội cơ bản; điều kiện sinh hoạt được cải thiện, chất lượng sống được nâng lên.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Thị Lê An cho biết: Coi xây dựng gia đình văn hóa là 1 trong 7 phong trào cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng thời là giải pháp quan trọng để xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Những năm qua, Sở tham mưu cho tỉnh chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm, khu phố và cụm dân cư văn hóa phù hợp với truyền thống và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình và công tác gia đình. Các phong trào, mô hình, câu lạc bộ xây dựng gia đình được triển khai, phát triển sâu rộng đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Số lượng và chất lượng gia đình đạt văn hóa ngày càng nâng lên. Năm 2023, toàn tỉnh có 112.945 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 87%; 1.232 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu xóm, tổ dân phố văn hóa, đạt 84%.

Kim Xoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-trong-xay-dung-gia-dinh-no-am-tien-bo-hanh-phuc-van-minh-3170864.html