Chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp
Tuy là một dạng tài sản vô hình, nhưng thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp (DN). Tại Thanh Hóa, nhiều DN đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, xem đây là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị DN.
Sơ chế dứa trước khi đưa vào chế biến tại Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Khu Công nghiệp đô thị Hoàng Long, TP Thanh Hóa.
Gần 16 năm có mặt trên thị trường phân bón, Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị (TP Thanh Hóa) luôn nỗ lực, bền bỉ tạo dựng thương hiệu. Theo Tổng Giám đốc công ty - ông Lê Hùng Mạnh, ngoài việc chú trọng xây dựng hình ảnh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu như logo nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, công ty luôn quan tâm chuẩn hóa các quy trình sản xuất và các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm, từ đó tạo dựng uy tín cho sản phẩm và niềm tin cho khách hàng. Nhờ vậy, trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh COVID-19 vừa qua và những ảnh hưởng của tình hình thế giới khiến giá cả các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, công ty vẫn duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương.
Với Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt ở Khu Công nghiệp đô thị Hoàng Long (TP Thanh Hóa) thì hành trình trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản tại Việt Nam, với những mặt hàng như: dứa đóng hộp, vải thiều đóng hộp, dưa chuột ngâm dấm... cũng không dễ dàng. Theo giám đốc công ty Nguyễn Văn Quỳnh, trong bước đường phát triển của DN, công ty luôn chú trọng các giải pháp nhằm định vị thương hiệu cho DN, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm tới uy tín mọi mặt của nhà sản xuất để phát triển lớn mạnh. Từ những vùng nguyên liệu nhỏ trong tỉnh và ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang... người dân đã chấp nhận liên kết, bắt tay với công ty để sản xuất dứa nguyên liệu với quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty cũng đầu tư hệ thống nhà xưởng quy mô hơn 3.000m2 áp dụng công nghệ hiện đại, tuyển chọn nhân lực giàu kinh nghiệm, có năng lực quản lý sản xuất chuyên nghiệp. Vì vậy, DN đã “vượt bão” dịch COVID-19, tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ có mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm của DN đã được xuất khẩu với số lượng lớn sang nhiều nước trên thế giới, như: châu Á, EU, Nga, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan và nhiều nước phát triển khác.
Sau 5 năm thành lập, thương hiệu Medlatec cũng được Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa tạo dựng những thành công nhất định trên thị trường Thanh Hóa. Được thành lập dựa trên thương hiệu về chuỗi bệnh viện đã nổi tiếng trên cả nước, bằng dịch vụ chất lượng và tận tâm, hiện nay Medlatec đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu tại Thanh Hóa trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế gia đình và dịch vụ bác sĩ tại nhà, với 84 cán bộ trực tiếp và hơn 300 cộng tác viên tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hàng năm, Medlatec Thanh Hóa đạt doanh thu khoảng 40 - 50 tỷ đồng, đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Năm 2021, Medlatec Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen, tôn vinh DN tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc Nguyễn Văn Hiệu trở thành 1 trong 86 cá nhân trong cả nước được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021 và năm 2022 trở thành 1 trong 3 doanh nhân trẻ của Thanh Hóa đạt giải thưởng Sao Đỏ.
Đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 DN đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi DN sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Nhưng tất cả các DN đều chú trọng đến những giá trị cốt lõi như: chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chiến lược truyền thông hình ảnh, quảng bá thương hiệu. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu như: khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm. Đến nay, nhiều thương hiệu DN ở Thanh Hóa đã và đang không ngừng lớn mạnh, với các sản phẩm dịch vụ hàng hóa được người tiêu dùng đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều giải thưởng lớn như Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Sao Đỏ, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Được biết, năm 2022, Việt Nam có 172 DN với 325 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện xếp thứ 32 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 được Bộ Công Thương xác định mục tiêu: Đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.