Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, việc thực hiện chính sách này đã thêm một luồng sinh khí mới bằng sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ cơ sở. Nguồn lực giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách cũng được tăng cường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bài 1: Gieo vốn trên đỉnh mây ngàn

Dù địa hình đồi núi dốc cheo leo, điều kiện tự nhiên khó khăn, nhưng với hướng đi đúng và sự cần cù chịu khó của đồng bào vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), đồng vốn chính sách đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no.

Phiên giao dịch định kỳ hằng tháng của NHCSXH tại xã Chế Tạo.

Phiên giao dịch định kỳ hằng tháng của NHCSXH tại xã Chế Tạo.

Vượt qua nghèo đói

Nếu như từ thị xã Nghĩa Lộ lên thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải phải qua chặng đường 100 km vượt đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đèo của vùng Tây Bắc, thì từ thị trấn huyện đến xã xa nhất là Chế Tạo cũng mất bằng ấy thời gian để đi qua 35 km đường đèo dốc khó khăn hơn nhiều. Bù lại, đoàn chúng tôi được ngắm những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên những sườn núi hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh của vùng lõi khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải với những cây cổ thụ vài người ôm.

Xã Chế Tạo nằm ở chóp phía tây bắc của tỉnh Yên Bái, giáp với tỉnh Sơn La và Lai Châu, bao bọc bởi những dãy núi cao trên 2.000 m, trong đó đỉnh cao nhất là 2.512 m. Trong ngày giao dịch định kỳ hằng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tại đây, ông Bùi Văn Hóa, Giám đốc Phòng giao dịch huyện chỉ tay sang bản Tà Dông lấp ló mươi nóc nhà ở sườn núi đối diện trụ sở UBND xã dẫn chứng vui: “Có lần đứng đây nghe thấy tiếng mổ lợn của đồng bào, nhưng sang đến nơi thì bà con đã ăn xong đi về hết”. Bản Tà Dông cũng không phải là bản xa nhất, nhưng trời mưa nhỏ thì Chủ tịch UBND xã Sùng A Chống đi về nhà cũng mất 3-4 tiếng đồng hồ, mưa to hơn thì thôi ngủ lại phòng làm việc luôn.

Do điều kiện tự nhiên khó khăn là vậy, mới chỉ 2/6 bản của xã có điện lưới, toàn xã có 409 hộ (99% là dân tộc Mông) thì có đến 210 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 53%. Nhưng điều đó không cản trở được khát vọng vươn lên có cuộc sống ấm no của đồng bào nơi đây. Đến trả hết nợ NHCSXH tại phiên giao dịch định kỳ ở trụ sở xã, anh Giàng A Ly cho biết, năm 2014, anh được vay 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo, liền mua 1 con trâu. Sau 5 năm, trâu cái trưởng thành và sinh thêm 1 con nữa, anh Ly bán 1 con đủ trả nợ đến hạn, còn 1 con làm vốn để dành. Anh Ly cho biết đã có kinh nghiệm nên phiên giao dịch tháng sau sẽ làm thủ tục đề nghị vay vốn tiếp khoảng 40-50 triệu đồng để mua trâu đực vỗ béo. Trong khi đó, cũng đến trả hết nợ NHCSXH, anh Giàng A Sàng dẫn chúng tôi về thăm căn nhà gỗ khang trang mới làm ở gần UBND xã và bày tỏ dự định sẽ tiếp tục vay vốn NHCSXH để đầu tư 2 phòng nghỉ homestay phục vụ khách du lịch.

Bên đàn bò 15 con đang ăn cỏ, ông Giàng A Sình, ở bản Chế Tạo (xã Chế Tạo) kể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo của gia đình. Ban đầu từ nguồn vốn vay NHCSXH 15 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo, ông Sình mua 1 con bò cái và đầu tư làm chuồng trại. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và tích lũy, số bò trong chuồng tăng dần, phân bò thì dùng để bón cho cây lúa, cây ngô. Nhưng nhà ông Sình chưa thể thoát nghèo ngay bởi cả 5 người con đều được đi học đại học, trong thời gian đó ông lại được NHCSXH cho vay vốn chương trình dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay cả 5 người đều đã ra trường, có việc làm ổn định và trả hết nợ ngân hàng. Giờ thì ông Giàng A Sình tự hào chưa phải giàu có gì nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu, ông còn làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm với bà con. Ông chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn chính sách gia đình mình đã hết khó khăn, giờ mình mong muốn đồng vốn đến với nhiều người nữa để có đời sống tiến bộ hơn”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Chủ tịch xã Sùng A Chống (trái) thăm cơ ngơi của vợ chồng ông Giàng A Sình.

Chủ tịch xã Sùng A Chống (trái) thăm cơ ngơi của vợ chồng ông Giàng A Sình.

Nói về “độ phủ” tín dụng chính sách trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo, ông Sùng A Chống cho biết, đến nay tổng dư nợ tín dụng chính sách ở xã đạt hơn 9 tỷ đồng, riêng doanh số cho vay năm nay hơn 1 tỷ đồng, trong đó có đến 193/210 hộ nghèo là có dư nợ (các hộ còn lại chủ yếu do mất sức lao động). Hàng năm, xã giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng thôn bản, tổ chức chỉ đạo Ban giảm nghèo của xã rà soát từng hộ, từng đối tượng có nhu cầu vay vốn, bình xét đối tượng được vay công khai, khách quan trong tổ tiết kiệm và vay vốn. Hàng tháng xã tiến hành kiểm tra công tác cho vay, qua đó cho thấy các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và không có nợ quá hạn.

Hoạt động tín dụng chính sách có chất lượng tốt phải kể đến sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội. Ông Giàng A Lềnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Chế Tạo cho biết, sau khi có Chỉ thị 40, Đảng ủy xã đã họp Ban chấp hành đưa ra Nghị quyết chỉ đạo các hội, đoàn thể, các chi bộ triển khai rộng rãi đến nhân dân để cho chính sách đến với người dân nghèo. Từ đó, người dân càng hiểu về đồng vốn và sử dụng hiệu quả. Bí thư các chi bộ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 85% xuống còn 53% sau 5 năm.

Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 40, đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho rằng: “Đã có một sự thay đổi lớn trong nhận thức cán bộ đảng viên. Nếu như trước đây, vẫn có cán bộ cơ sở nghĩ rằng đây là sự hỗ trợ bình thường của Nhà nước. Nhưng khi chúng tôi làm tốt công tác quán triệt tuyên truyền thì nhận thức của cán bộ cũng như người dân về việc cho vay ủy thác này của NHCSXH đã thay đổi rõ rệt. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cũng như cả hệ thống chính trị trong giúp người dân xóa đói giảm nghèo thông qua việc ủy thác từ NHCSXH chứ không còn là hỗ trợ từ Trung ương”.

Có lẽ vì thế mà như Giám đốc Bùi Văn Hóa cho biết, dù là huyện đặc biệt khó khăn nhưng đến nay, UBND huyện đã trích ngân sách 1,6 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH, hòa chung vào nguồn vốn tín dụng chính sách hơn 244 tỷ đồng trên địa bàn giúp cho 9.752 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; 3.918 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 188 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giải quyết việc làm cho 219 lao động từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm; 8 lao động được vay để đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ cho 170 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở...

Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. (Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư)

Bài 2: Nuôi giấc mơ đến trường ở vùng quê nghèo

Bài và ảnh: Ngọc Tú (Báo Tin tức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/chu-truong-cua-dang-y-nguyen-cua-dan-20191029101013241.htm