Chủ trương 'Học thật, thi thật, nhân tài thật': Cần giải pháp tổng thể!

Theo nhiều chuyên gia, để 'học thật, thi thật, nhân tài thật' cần thiết phải đầu tư hơn cho giáo dục, thay đổi nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người học, người dạy có động lực tích cực.

Vấn nạn kiểu học “đánh trống ghi tên”

Học thật, thi thật, nhân tài thật” là chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua khi người đứng đầu ngành Giáo dục đã có những phát biểu thể hiện quan điểm cho thấy tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc quyết liệt nhằm chấn hưng giáo dục, hạn chế những bất cập tồn tại trong nhiều năm qua.

Không khó để lý giải vì sao đa phần dư luận ủng hộ chủ trương này của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Bởi tình trạng học tập, thi cử trong 5 năm qua bên cạnh những tiến bộ tích cực thì ghi nhận nhiều điểm “đen” chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà. Ở bậc phổ thông, việc đánh giá học sinh chạy theo thành tích, tình trạng “mưa” điểm 10, “mưa” giấy khen, thành tích ảo trở nên báo động.

Hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang. Ảnh: Trinh Phúc.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 chứng kiến tình trạng gian lận thi cử ở quy mô chưa từng có tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Khi hàng trăm bài thi được chỉnh sửa, cấy điểm, nâng điểm. Có em được nâng hơn 26 điểm cho ba bài thi. Điều đáng nói, bê bối thi cử đã dính líu đến hàng loạt quan chức, con cháu cán bộ cốt cán ở các tỉnh này. Vì thế đã phơi bày hết thảy những vấn đề nhức nhối tồn tại trong xã hội về thực trạng “học giả, thi giả, nhân tài giả”. Những câu nói như “Ai cũng gù mình thẳng lưng trở thành khuyết tật” hay “Nhờ nâng điểm để tạo phúc” của những bị can khi ra trước tòa là minh chứng sinh động nhất cho sự xuống cấp của đạo học.

Ở bậc Đại học, tình trạng đi học theo kiểu “đánh trống ghi tên”, thậm chí không đi học cũng được cấp bằng. Tình trạng mua bán bằng để làm đẹp hồ sơ sau đó “chui sâu, leo cao” trong bộ máy Nhà nước. Các vụ việc mua bán văn bằng giả bị phanh phui, văn bằng thật chất lượng giả được phát hiện gây nhức nhối trong xã hội. Không ít trường tổ chức mua bán bằng tồn tại nhiều năm đến khi bị phát hiện thì hệ lụy kéo theo là rất lớn. Có những vụ việc sai phạm trong đào tạo tồn tại công khai nhưng chưa được xử lý triệt để vì nể nang, sợ hệ lụy khiến dư luận bất bình. Thực tế đó, khiến niềm tin vào giáo dục đại học bị sút giảm. Thậm chí, trong khai hồ sơ Giáo sư, Phó giáo sư cũng xảy ra tình trạng khai khống, gian lận mong được phong học hàm nhằm được nhận bổng lộc suốt đời.

Chính vì lẽ đó, việc Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cao việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” được nhiều người ví như làn gió mát giữa thời cuộc “oi ả”. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, theo ông Trần Trung Dũng ở Hà Tĩnh, muốn học thật, thi thật thì cần siết chặt việc đào tạo, cấp bằng. Hiện nay, chất lượng đầu ra nhiều trường đại học không tương xứng với văn bằng. Học tại chức, chuyên tu, từ xa đầu vào thì thấp, thời gian học ngắn nhưng bằng cấp lại có kết quả cao. Cách cấp bằng như vậy không thể nói “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Ông Trần Trung Dũng cho rằng, bậc đại học mới là điều ông cảm thấy lo lắng nhất vì bằng cử nhân hiện nay được cấp quá dễ dàng.

Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc ở Vĩnh Phúc lại cho rằng, bao năm nay học ngoại ngữ tốn nhiều tiền bạc của phụ huynh, xã hội nhưng kết quả lại không được như ý muốn. Thanh niên Việt Nam nói thành thạo tiếng Anh chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Trong khi tiếng Anh được đưa vào dạy học từ rất sớm trong các nhà trường. Điều đó cho thấy, việc dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường không đáp ứng được tiêu chí “học thật”. Bà hy vọng dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn việc học thật ở trong môn Tiếng Anh được cải thiện.

“Không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được”

Trong khi nhiều người chú ý vào các con số để minh chứng cho tình trạng học giả, thi giả nhân tài giả thì nhiều người lại quan tâm đến việc cần thay đổi về mặt cơ chế, chính sách như thế nào để khuyến khích việc học thật. Thậm chí, để cho những người có nhu cầu học gian dối cũng không có đất để tồn tại.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, muốn có học thật, thi thật thì bỏ cách đánh giá hình thức, nặng về thành tích. Vì thành tích nên mới có tình trạng đánh giá không đúng thực chất. Xã hội cũng nên đánh giá con người dựa vào thực lực, không đánh giá theo bằng cấp người đó có. Còn nếu chỉ dựa vào bằng cấp thì sinh ra mua bằng, chạy bằng, bằng thật chất lượng giả. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, cái gì giả thì thời gian cũng sẽ lộ ra, xã hội cũng đào thải vì thế nên người học phải xác định động lực học tập nghiêm túc.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, muốn có học thật thì phải tạo điều kiện cho người học. Ở những lớp học tiểu học đông gần 60 em thì việc học thật sẽ rất khó khăn. Do đó, muốn tạo điều kiện cho người học được học thật thì cần cải thiện những lớp học đông đúc. Sĩ số đông thầy cô giáo không thể quan tâm hết được học trò. Điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn phải đầu tư. Bây giờ ngồi trong phòng bảo học thật nhưng trời nóng như lò lửa người học chắc chắn không thể tập trung học được.

Vị này còn cho rằng, muốn học thật phải có dạy thật. Để được như vậy thì đối xử với thầy phải tương xứng. Lương bổng, chế độ cho giáo viên để họ đủ sống. Ngày xưa lương thầy giáo nuôi được vợ con, giờ với thu nhập không nuôi bản thân ông thầy. Đãi ngộ như vậy làm sao thầy giáo không chân trong, chân ngoài. Do đó, để “học thật, thi thật, nhân tài thật” đòi hỏi phải đầu tư lớn cho giáo dục.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Để có “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì chính sách đề ra cho giáo dục phải sát thực tế. Chuyện học thật không phải chuyện ngày một ngày hai. Đối với bản thân mỗi người thì việc học thật, thi thật cần thay đổi. Còn đối với ngành giáo dục, cái nào làm thật được thì ta làm, cái nào chưa thật được thì cần phấn đấu theo thời gian. Còn tức khắc ngay, chuyển sang “chính quy, hiện đại luôn” không thể làm được. Những cái làm thật được nhưng không chịu làm, đi làm dối cần thiết phải sửa đổi kịp thời”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, để có “học thật, thi thật, nhân tài thật” trước hết bản thân người học phải thay đổi suy nghĩ, động lực học tập. Ngoài ra, những chủ trương chính sách nào không chuẩn đối với việc kích thích, vận động người ta học thì phải khắc phục, bỏ. Như những quy định 100% học sinh lên lớp mới được khen thưởng. Học sinh ở lại lớp giáo viên bị cắt thi đua thì nên bỏ.

Hay một số vị trí Vụ, Cục ở trong bộ máy Nhà nước đòi hỏi phải có hàm Giáo sư. Trong khi vị trí đó chỉ đòi hỏi người có năng lực lãnh đạo, có tầm nhìn. Do quy định như vậy, nên người ta phải đi học Tiến sĩ trong khi không có động lực theo nghiên cứu khoa học. Học tập như vậy mất thời gian, tạo động cơ học tập khiên cưỡng, ép buộc dẫn tới học đối phó… “Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật” phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể” - ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy chủ trương tiến tới “học thật, thi thật, nhân tài thật” là chủ trương đúng, nếu làm được sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đây là việc không dễ một sớm một chiều đạt được.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-truong-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-can-giai-phap-tong-the-post136911.html