'Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu'

Tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang trưng bày chuyên đề: 'Chu Văn An-Thượng tường Sơn Đẩu'. Trưng bày đã được nhiều độc giả, chuyên gia đánh giá cao bởi tính sáng tạo, đổi mới trong hình thức thể hiện.

Chủ đề của trưng bày chọn 4 chữ để biểu hiện nhằm chỉ bậc Thái Sơn, Bắc Đẩu của trường học, của giáo dục nước nhà Việt Nam. Trong đó, “Sơn” là Thái Sơn, “Đẩu” là “Bắc Đẩu”, “thượng tường” là lấy trong điển của Hán ngữ chỉ nhà trường.

Phải xử lý làm sao để tối ưu trưng bày và làm nổi bật khi tư liệu gốc hầu như không còn, quy mô phòng trưng bày nhỏ? Phải làm sao để thể hiện đầy đủ các nội dung về cuộc đời, sự nghiệp, các giá trị giáo dục và ý nghĩa văn hóa xuyên suốt cuộc đời của thầy giáo Chu Văn An, để người xem hiểu được lý do tại sao thầy lại là người có tầm ảnh hưởng lớn như vậy và được thờ ở một nơi trang trọng như Văn Miếu-Quốc Tử Giám? Hàng loạt câu hỏi đã được ban tổ chức đặt ra và cách xử lý là sử dụng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ được diễn giải trong không gian mở tựa như một cuộn tranh dẫn dắt người xem ngược thời gian hơn 6 thế kỷ trước, qua 3 không gian: Thanh Trì-quê hương; Thăng Long-Quốc Tử Giám; Chí Linh-nơi ở ẩn. Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám-nơi thầy Chu Văn An đã từng dạy học và những địa điểm thờ, những con đường, trường học mang tên thầy... để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế dành cho người thầy hết lòng với nghề dạy học, tinh thần phụng sự xã hội, vì dân, vì nước.

 Trưng bày là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem đến sức hấp dẫn đối với người xem.

Trưng bày là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem đến sức hấp dẫn đối với người xem.

GS Lê Văn Lan đánh giá cao trưng bày bởi theo ông: “Có nhiều con người đặc sắc, thậm chí siêu phàm trong một con người Chu Văn An. Nếu trưng bày là những trang sách vở thì lặng lẽ quá và không hấp dẫn. Mà làm theo cách thông thường là dùng bảng chữ, tủ kê hiện vật... thì không làm được. Tôi nghĩ cách thức làm những bảng ánh sáng kèm hình minh họa bằng lối vẽ cổ truyền dân gian và những hàng chữ chú giải là một thành công. Trưng bày này đủ làm thỏa mãn những nhu cầu hiểu biết về cuộc đời của vị thầy tiêu biểu của nước nhà, được thể hiện cụ thể, đầy đủ bằng những thông tin, chi tiết và ngôn ngữ cách tân, khá hiện đại. Ngoài ra còn có một phần trưng bày về trường Quốc Tử Giám, đó là nền cảnh để tôn lên sự nghiệp và đặc biệt là trí tuệ, phong cách và giá trị, vai trò của vị thầy đã được mệnh danh là “Vạn thế sư biểu”.

Sau khi cho biết rất ấn tượng với triết lý giáo dục của thầy giáo Chu Văn An là học tập không chỉ để có kiến thức mà phải đi đôi với thực hành, để xây dựng một cộng đồng tốt hơn và giáo dục không chỉ dành cho tầng lớp cao, thượng lưu mà dành cho tất cả mọi người, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nói: "Trưng bày là sự phối hợp tuyệt vời giữa lịch sử và hiện đại. Nó không chỉ khái quát cuộc đời và sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An mà còn nói đến triết lý của ông và nhân cách mà thầy đã trao truyền cho các thế hệ sau. Chính vì thế, khi được trưng bày trong không gian đặc biệt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám càng làm cho các tư liệu về thầy Chu Văn An rất thật, hơn là cách chúng ta ngồi và đọc trên internet hay đọc trong sách vở. Trong bối cảnh đó khiến người xem cảm thấy được khích lệ, trân trọng những giá trị mà thầy Chu Văn An đã xây dựng, đặc biệt nữa là tại nơi thầy đã đặt nền móng cho Quốc Tử Giám, cho ngành giáo dục Việt Nam".

Chăm chú chụp lại những dòng chú thích tại trưng bày, chị Amelie (Pháp) cho biết: “Trưng bày đã giúp tôi hiểu hơn về nhân cách, cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương thầy giáo Chu Văn An. Tôi hy vọng qua trưng bày, thế hệ trẻ Việt Nam có thể học theo gương mẫu mực của thầy”.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chu-van-an-thuong-tuong-son-dau-644242