Chủ xe bán tải băn khoăn trước quy định đăng kiểm mới
Nhiều chủ xe bán tải cho biết dù phương tiện phục vụ chủ yếu nhu cầu đi lại của gia đình, xe vẫn được xếp vào nhóm ôtô tải và vì vậy, không được hưởng lợi từ chu kỳ kiểm định mới.
Trên các diễn đàn và hội nhóm của chủ xe bán tải, nhiều người bày tỏ ý kiến băn khoăn trước thông tin thay đổi chu kỳ đăng kiểm cho nhóm ôtô con không kinh doanh vận tải.
Bên cạnh chính thức miễn đăng kiểm lần đầu cho ôtô mới có thời gian lưu kho dưới 2 năm, Thông tư 02/2023 vừa ban hành còn cho phép ôtô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải có tuổi thọ đến 7 năm (tính từ năm sản xuất) được áp dụng thời hạn đăng kiểm lần đầu là 36 tháng (quy định cũ là 30 tháng).
Sau khi hết hạn đăng kiểm lần đầu, xe được tiếp tục gia hạn theo chu kỳ 24 tháng thay vì 18 tháng như quy định cũ.
Xe bán tải không phải ôtô con
Theo nội dung trong Nghị định 10 do Chính phủ ban hành năm 2022 quy định về lệ phí trước bạ, ôtô pickup (xe bán tải) được phân thành 2 loại, bao gồm (i) ôtô pickup chở hàng và (ii) ôtô pickup chở hàng và là ôtô con.
Trên thực tế, giấy chứng nhận đăng kiểm mà nhiều chủ xe bán tải nhận được cũng có sự khác biệt. Đa phần các mẫu xe bán tải được phân loại thuộc nhóm ôtô tải (pickup cabin kép) nhưng vẫn có số ít được phân vào nhóm ôtô con (pickup).
Do đó, trong trường hợp bất kỳ mẫu bán tải nào được phân loại vào nhóm ôtô tải, xe đó sẽ không thuộc diện hưởng lợi từ quy định giãn chu kỳ kiểm định như nội dung Thông tư 02/2023 vừa được ban hành.
Anh Đức Vương (Tân Phú, TP.HCM) cho biết chiếc Ford Ranger XLS của mình sẽ đến hạn đăng kiểm vào ngày 15/9 theo như thông tin ghi nhận trên giấy chứng nhận kiểm định.
“Ban đầu tôi cứ đinh ninh xe bán tải của mình sẽ được giãn chu kỳ kiểm định định kỳ lên thành 24 tháng do vẫn là ôtô dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu lại, tôi mới biết chiếc Ford Ranger của mình được xếp vào nhóm ôtô tải, do đó chu kỳ kiểm định định kỳ vẫn được giữ nguyên 12 tháng như hiện tại”, anh Đức Vương chia sẻ.
Theo nội dung tại Thông tư 02/2023, ôtô tải các loại có thời gian sản xuất đến 7 năm vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng. Sau khoảng thời gian này, chủ xe cần đưa phương tiện đi đăng kiểm mỗi 12 tháng một lần. Đối với ôtô tải đã sản xuất trên 7 năm, chu kỳ kiểm định định kỳ được rút ngắn xuống còn 6 tháng.
So với Thông tư 16 đã hết hiệu lực, nội dung liên quan đến chu kỳ kiểm định của nhóm ôtô tải trong Thông tư 02 vừa được ban hành vẫn giữ nguyên và không có sự thay đổi.
Nhiều ý kiến từ các chủ xe bán tải bày tỏ sự băn khoăn bởi dù được xếp vào nhóm ôtô tải trên giấy chứng nhận đăng kiểm, dòng xe này lại thường được sử dụng khá nhiều cho mục đích chở người hay di chuyển trên phố.
“Xe bán tải có vẻ thiệt thòi trong lần điều chỉnh chu kỳ kiểm định này. Về cơ bản, các xe bán tải chỉ là ôtô con với số chỗ ngồi dưới 9. Tuy nhiên, có lẽ do sở hữu kích thước lớn và khả năng chuyên chở hàng hóa tốt nên xe bán tải lại được xếp vào nhóm ôtô tải”, anh Hoàng Tuấn – một chủ xe Ford Ranger – cho biết.
Không đồng nhất về khái niệm
Thực tế, phần lớn xe bán tải được xếp vào nhóm ôtô tải trong giấy chứng nhận đăng kiểm. Tuy nhiên khi lưu thông trên đường phố, xe bán tải lại được phân loại thành ôtô tải hoặc ôtô con tùy thuộc vào khối lượng chuyên chở cho phép.
Cụ thể, website của Cục Đăng kiểm trích dẫn nội dung của Quy chuẩn 41/2019 cho biết các dòng xe bán tải, xe van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg sẽ được xem là xe con. Ngược lại, nhóm xe pickup có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên sẽ được xếp vào nhóm ôtô tải.
Trước đây trong Quy chuẩn 41/2016, xe bán tải có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con.
Theo lý giải từ Cục Đăng kiểm, việc quy định các dòng xe bán tải ở luật lệ cũ gây trở ngại cho lực lượng cảnh sát giao thông, dẫn đến khó phân biệt đâu là xe tải, đâu là xe con. Vì vậy, các xe bán tải có khối lượng chuyên chở từ 950 kg trở lên sẽ được phân loại vào nhóm ôtô tải, do đó bắt buộc tuân theo các quy định về khung giờ cấm hoạt động tại các khu vực đông dân cư ở các thành phố lớn như TP.HCM hay TP Hà Nội.
Trong bài viết đăng tải trên website, Cục Đăng kiểm viện dẫn trường hợp Ford Ranger phiên bản XLS nhập khẩu từ Thái Lan nhưng khác năm sản xuất sẽ đưa đến sự khác biệt về phân loại xe sau khi Quy chuẩn 41/2019 chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, phiên bản Ranger XLS sản xuất năm 2013 có khối lượng chuyên chở cho phép ở mức 991 kg sẽ được xếp vào nhóm ôtô tải theo nội dung của Quy chuẩn 41/2019. Tương tự, Ford Ranger XLS đời 2015 cũng là ôtô tải do có khối lượng chuyên chở cho phép 957 kg, cao hơn 7 kg so với quy định nói trên.
Tuy nhiên, Ford Ranger XLS sản xuất năm 2016 có khối lượng hàng chuyên chở cho phép chỉ 827 kg sẽ được xếp vào nhóm ôtô con khi tham gia lưu thông trên đường.
Theo nhiều ý kiến chia sẻ, những quy định không đồng nhất nói trên đã tạo ra không ít băn khoăn dành cho các chủ xe bán tải.
“Vẫn biết đây là quy định phải tuân theo, tôi vẫn cảm thấy khá khó hiểu bởi lúc di chuyển trên đường, chiếc Ranger XLS của tôi là ôtô con nhưng khi đưa phương tiện đi đăng kiểm lại trở thành ôtô tải”, anh Đức Vương cho biết.