Chú ý giáo dục truyền thống cách mạng trong trường học và thế hệ trẻ

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 120 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về 'Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đến năm 2020' vào sáng 14/4.

Chú ý giáo dục truyền thống cách

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh phát biểu chỉ đạo.

Nhấn mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng có vai trò rất quan trọng, không chỉ góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng của địa phương qua các thời kỳ, mà còn giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 120 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính đặc thù của nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử.

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường đổi mới trong phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng trong toàn xã hội với nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng. Chú ý tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng trong trường học, thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 120, toàn tỉnh phát hành được 42 tập lịch sử. Tỉnh ủy Bình Thuận hoàn thành xuất bản và phát hành 2 tập sách: “Hoạt động đấu tranh của chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 - 1975)” và “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I (1930 - 1954)”. Công tác sưu tầm, khai thác tư liệu được cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành đề án “Số hóa tư liệu lưu trữ và các ấn phẩm lịch sử tỉnh Bình Thuận” phục vụ việc khai thác tư liệu dễ dàng hơn trước. Đáng chú ý, “Tài liệu dạy - học lịch sử địa phương trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, đưa vào giảng dạy trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh...

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/chu-y-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-trong-truong-hoc-va-the-he-tre-136673.html