Chưa ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026
Cơ quan thẩm tra nhận định, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30-4-2025. Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp sáng 24-4
Cũng trong phiên họp sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.
Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, chưa nên xem xét, ban hành nghị quyết vào thời điểm này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình
“Theo tờ trình của Chính phủ thì thời điểm 30-4-2025 là thời điểm lấy làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu, định mức liên quan đến đơn vị hành chính quy định tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30-4-2025. Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp”, ông Phan Văn Mãi lý giải.
Vẫn theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, một số nội dung liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong dự thảo nghị quyết đang được sửa đổi tại Luật NSNN (Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9), chẳng hạn việc bỏ kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm; thời kỳ ổn định ngân sách và tỷ lệ điều tiết. Hơn nữa, một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 cũng có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương.
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích, khi có sự thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương này không chỉ là việc thực hiện cộng “cơ học” mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới.
Việc áp dụng nhiều định mức khác nhau trên địa bàn 1 xã sau khi sáp nhập có thể gây khó khăn trong quản lý, điều hành. Sau khi sắp xếp bộ máy chính trị, địa giới hành chính, việc xác định phân loại 4 vùng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đó có thể sẽ không còn phù hợp, theo đó không đủ căn cứ pháp lý để làm cơ sở xây dựng định mức phân bổ áp dụng trong năm 2026 và các năm tiếp theo.
“Tờ trình vẫn còn sử dụng các khái niệm “thị trấn” và đô thị thuộc tỉnh nữa? Vậy thì có cơ sở nào để chi?”, ông Trần Quang Phương đặt câu hỏi.

Quang cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cũng băn khoăn khi nhìn vào khoản chi cho giáo dục: “Các đồng chí dự kiến tăng chi 30%, chủ yếu đáp ứng việc điều chỉnh tiền lương thôi. Còn nhiều chính sách khác chưa được cập nhật như chính sách miễn học phí và nếu Quốc hội thông qua thì còn chính sách phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi… chưa kể một số chương trình mục tiêu quốc gia nữa”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng ở thời điểm hiện nay chưa đủ điều kiện để UBTVQH xem xét thông qua nghị quyết này. Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình mới rồi trình lại vào thời điểm thích hợp và cân nhắc thời hạn áp dụng của nghị quyết để bảo đảm tính ổn định, chủ động cho các địa phương trong việc xác định kinh phí chi thường xuyên, tránh tình trạng phải xây dựng hàng năm, không có kế hoạch lâu dài.