Chưa ban hành quyết định khởi xướng điều tra sản phẩm cáp thép nhập khẩu

Bộ Công thương đã gia hạn thời hạn ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm cáp thép dự ứng lực nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia thêm 30 ngày.

Bộ Công thương chưa ban hành quyết định điều tra áp dụng chống bán phá giá cáp thép nhập khẩu.

Bộ Công thương chưa ban hành quyết định điều tra áp dụng chống bán phá giá cáp thép nhập khẩu.

Bộ Công thương vừa ban hành quyết định về việc gia hạn thời hạn ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia thêm 30 ngày.

Việc gia hạn được lý giải là để có thêm thời gian xem xét hồ sơ vụ việc và các thông tin liên quan trong vụ việc.

Ngày 7/4/2023, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) đã tiếp nhận Hồ sơ của công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu), yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia

Ngày 20/4/2023, Cục Phòng vệ Thương mại đã ban hành công văn số 29/TB-PVTM. xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của Luật quản lý ngoại thương.

Khoản 2 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương quy định: “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào kiến nghị của Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Cơ quan điều tra), Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định việc điều tra hoặc không điều tra. Trường hợp đặc biệt, việc ban hành quyết định về vụ việc có thể được gia hạn 01 lần nhưng không quá 30 ngày”

Để có thêm thời gian xem xét hồ sơ vụ việc và các thông tin liên quan, Bộ Công thương gia hạn thời hạn ra quyết định điều tra vụ việc thêm 30 ngày. Theo đó, thời hạn cuối cùng để ban hành quyết định liên quan tới vụ việc này được gia hạn đến ngày 5/7/2023.

Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo thương mại quốc tế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa được Bộ Công thương thực hiện nhiều hơn trong những năm gần đây.

Các công cụ phòng vệ càng trở nên cần thiết khi quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã vượt 730 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa là 359 tỷ USD, xuất khẩu trên 371 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp 06 vụ việc tự vệ và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Riêng trong năm 2022, Bộ Công thương đã hoàn thành điều tra, rà soát và ra quyết định liên quan đến 06 vụ việc, trong đó có 05 vụ việc Bộ này đã quyết định áp dụng hoặc tiếp tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện rà soát 07 biện pháp phòng vệ để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

Các biện pháp phòng vệ thương mại là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV).

Đây là các công cụ chính sách có tính chất hạn chế thương mại được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Nguyên tắc chung của các biện pháp PVTM là các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm cam kết trong WTO hoặc cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chua-ban-hanh-quyet-dinh-khoi-xuong-dieu-tra-san-pham-cap-thep-nhap-khau-d191527.html