Chưa bắt buộc dán thẻ ETC khi đi đăng kiểm xe
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định việc dán thẻ thu phí không dừng ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và báo cáo trước ngày 30/8. Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình của dư luận.
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trong cả nước thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận tiện qua các trạm thu phí, hạn chế ùn tắc, minh bạch nguồn thu phí. Theo đó, phương tiện không đủ điều kiện thu phí ETC như không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản giao thông không được đi vào cao tốc. Song, 3 tuần qua, nhiều bất cập phát sinh như chống chéo giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, hệ thống nhận diện thẻ chưa đồng bộ, thẻ chồng thẻ, thẻ không đủ tiền… gây ảnh hưởng không nhỏ việc giao thông qua các trạm và đặt ra vấn đề các đơn vị cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm khắc phục bất cập phát sinh.
Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí ETC, đảm bảo công tác thu phí ETC triển khai hiệu quả trên phạm vị cả nước, Bộ GTVT mới ban hành văn bản nêu trên, nhằm đảm bảo mục tiêu 100% xe ô tô trên cả nước dán thẻ thu phí ETC.
Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Bộ GTVT mới yêu cầu nghiên cứu bổ sung. Cục đang đánh giá kỹ các tác động, văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia để tổng hợp, tham mưu phương án phù hợp và hiện nay chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí ETC khi đi đăng kiểm.
Trong khi chờ Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp phương án trình Bộ GTVT, đề xuất này có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, nhất là không phù hợp với thực tế. Đa số lái xe vận tải cho rằng, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện, còn việc dán thẻ ETC về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Trong khi, không ít lái xe hiện nay chỉ chờ hàng trong phạm vị tỉnh, thành phố, không có nhu cầu đi cao tốc hay các công trình BOT giao thông thì không nhất thiết phải dán thẻ ETC.
Anh Cao Cường, kinh doanh vận tải ở phố Trần Quang Khải, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thắc mắc: “Dán thẻ thu phí ETC và đăng kiểm là quy định hoàn toàn khác nhau. Tôi chỉ chạy xe hợp đồng vận tải hàng hóa trong nội thành, không có nhu cầu đi vào đường cao tốc, tại sao phải dán thẻ ETC? Ngược lại, nếu phương tiện không được đăng kiểm thì không thể tham gia giao thông…”.
Qua tìm hiểu, một diễn đàn lớn về ô tô trên mạng xã hội, với khoảng 1 triệu thành viên, thông tin về đề xuất phương tiện phải dán thẻ ETC khi đăng kiểm ô tô cũng đã thu hút hàng nghìn ý kiến bình luận, chủ yếu cho rằng, việc dán thẻ thu phí ETC về bản chất là hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ và người dùng đồng ý sử dụng dịch vụ thu phí ETC, hoạt động kiểm định xe cơ giới nhằm giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện và không liên quan đến hoạt động thu phí.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, mỗi chính sách, quy định hành chính công khi được ban hành đều tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp- người dân. Đăng kiểm là yêu cầu bắt buộc chủ xe, lái xe phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ, còn thu phí ETC là loại hình dịch vụ mà người dùng có quyền được lựa chọn, không thể gộp chung.
Xử lý triệt để các bất cập
Bộ GTVT cũng mới có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các bất cập phát sinh của hệ thống thu phí ETC trên các tuyến cao tốc và các tuyến đường giao thông huyết mạch; có phương án xử lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các nhà đầu tư BOT và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC Bộ GTVT yêu cầu chủ động rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC, nhất là những lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện; tăng cường nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm thường trực đường dây nóng để xử lý các sự cố phát sinh, kịp thời hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện nay.
Theo rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện mới chỉ có quy định các trạm thu phí phát sinh các lỗi thẻ ETC, để xảy ra ùn tắc phải dừng thu phí (xả trạm). Nhiều lái xe cũng phản ánh, dù đã có lộ trình dán thẻ, nhưng với quy định này, trách nhiệm chính chủ yếu đối với lái xe, trong khi các lỗi phát sinh về hệ thống nhận diện đọc thẻ, bong mất thẻ, việc truyền dữ liệu tài khoản trên hệ thống thu phí ETC thiếu đồng bộ... thì nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nghị định 100/CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập. Nội dung này cần phải được bổ sung, công khai, minh bạch.
Còn ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, hiện nay mới chỉ xử lý trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế giữa các bên. Cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm này được quy định tại Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định về trạm thu phí đường bộ. Các trạm thu phí để xảy ra lỗi phải dừng thu phí (xả trạm) và nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ tối đa cho chủ phương tiện. Chỉ trường hợp chủ phương tiện có hành vi chống đối mới mời lực lượng chức năng xử lý. Về lâu dài, Tổng cục sẽ phối hợp với lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử phạt nguội bằng hình ảnh các hành vi vi phạm thu phí ETC.
Rõ ràng, thời gian đầu triển khai hệ thống thu phí, do lưu lượng trên các tuyến cao tốc gia tăng khá lớn, công tác vận hành chưa trơn tru, chưa kịp thời xử lý các tình huống thực tế phát sinh. Đối với các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ cơ bản ổn định, còn một số trạm chưa hoàn thiện tổ chức giao thông, xảy ra ùn tắc dài tại làn thu phí hỗn hợp do nhiều xe chưa dán thẻ đầu cuối.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc mới đây của Bộ GTVT, Thứ trường Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT vẫn đang tập trung giải quyết, khắc phục triệt để các lỗi, bất cập phát sinh, để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho người dân. Trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg, để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí ETC là VDTC và VETC thống kê đã dán thẻ ETC cho hơn 3,6 triệu phương tiện. Ước tính, cả nước còn khoảng 400.000 phương tiện có nhu cầu, nhưng chưa dán thẻ ETC. Các doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành việc dán thẻ ETC trong tháng 12/2022.