Chữa 'bệnh' 'suy nhược' về tự phê bình và phê bình

Chúng ta đều biết, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng, là 'vũ khí sắc bén' để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là giải pháp quan trọng, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình chẳng những làm cho từng 'tế bào' của 'cơ thể' của Đảng luôn khỏe mạnh, dẫn dắt thành công sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà còn không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Đảng, tạo sự gắn kết, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Điều đó cho thấy, Người coi trọng công tác tự phê bình và phê bình đến nhường nào.

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta luôn coi tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không phải là không còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc phải “căn bệnh”...“suy nhược” về tự phê bình và phê bình, chưa nhận thức đúng đắn, chưa thực sự coi trọng công tác này, còn trung dung, bàng quan, né tránh, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Nhận định về thực trạng này, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao.

Hậu quả của “căn bệnh” “suy nhược” về tự phê bình và phê bình là không nhỏ, nó chẳng những gây thụt lùi về nhận thức, ý thức chấp hành nguyên tắc của Đảng, thậm chí triệt tiêu ý chí đấu tranh mà còn dễ dẫn đến những “căn bệnh” khác như không trung thực, hình thức, đoàn kết giả tạo, trung bình chủ nghĩa, nguy hại hơn là có thể dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương, đơn vị cần thường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của đấu tranh tự phê bình và phê bình; duy trì thường xuyên, nền nếp, có hiệu quả đi đôi với đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, xây dựng, thực sự cầu thị, vì sự đoàn kết, thống nhất, lớn mạnh của tổ chức Đảng, đảng viên.

Song hành với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khắc phục triệt để tình trạng hình thức, chiếu lệ, một chiều, qua loa, đại khái, “dĩ hòa vi quý” trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; động viên, khuyến khích, nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm quý để lan tỏa, sử dụng hiệu quả “vũ khí sắc bén” này trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đóng góp ý kiến, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, rèn luyện bản thân, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Bác. Tích cực, chủ động, tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, đề cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ; tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ các nguyên tắc tổ chức, xây dựng Đảng...

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chua-benh-suy-nhuoc-ve-tu-phe-binh-va-phe-binh-214137.htm