Vượt đèn đỏ khi đuổi bắt cướp, có bị xử phạt?

Nhiều người thắc mắc, trong trường hợp đi xe máy tham gia bắt cướp và vượt đèn đỏ thì có bị xử phạt về hành vi vượt đèn đỏ hay không?

Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì:

"b) Tín hiệu đỏ là cấm đi".

Như vậy, người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định về đèn tín hiệu nêu trên, hành vi vượt đèn đỏ là vi phạm pháp luật về không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo nghị định này thì vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Theo điểm e, khoản 4; điểm b, khoản 10, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và điểm g, khoản 34, Điều 2 nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì:

"Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng".

Trong khi đó, Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Như vậy, trong trường hợp tham gia đuổi bắt cướp mà vượt đèn đỏ có thể được xem là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết thì sẽ được xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trường hợp vượt đèn đỏ tham gia bắt cướp phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người dân xung quanh.

Nếu như người tham gia bắt cướp mà gây ra hậu quả đáng tiếc như đâm chết người, làm người khác bị thương hoặc gây thiệt hại lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015:

"2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự".

Quy định về tín hiệu đèn giao thông thay đổi thế nào từ năm 2025?

Quốc hội đã ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trong đó có quy định mới về việc sửa đổi quy định tín hiệu đèn giao thông.

Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Tuy nhiên, tại khoản 4, Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có một số điểm thay đổi về tín hiệu đèn giao thông, cụ thể quy định như sau:

Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.

Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành:

- Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

- Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;

- Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, cụ thể:

- Tín hiệu đèn giao thông;

- Biển báo hiệu đường bộ;

- Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;

- Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;

- Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vuot-den-do-khi-duoi-bat-cuop-co-bi-xu-phat-204241105113321103.htm